"Giảm thiểu" hay "Thích nghi"

ThienNhien.Net – Các thuật ngữ chuyên ngành tương đối dễ hiểu đối với các nhà chuyên môn nhưng lại trở nên khó hiểu đối với người ngoại đạo. Trong thời gian qua, khi nói về các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu, người ta nhắc nhiều đến hai thuật ngữ "thích nghi" và "giảm thiểu". Vậy, chúng khác nhau ra sao? Ngay cả Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cũng đã tốn không biết bao nhiêu thời gian nghiên cứu để phân biệt hai thuật ngữ này.

Giảm thiểu

Trong một số trường hợp hai thuật ngữ này đồng nghĩa như khi nói về vấn đề kiểm soát nguy cơ, nhưng lại khác nghĩa nhau khi nói về chính sách khí hậu.

Khi nói về khí hậu, “giảm thiểu” nghĩa là làm chậm lại quá trình ấm lên của trái đất bằng cách đối mặt với các vấn đề cơ bản như hoạt động của con người tạo nên khí nhà kính (chủ yếu là CO2). Một số biện pháp giảm thiểu như giảm lượng khí thải CO2 thông qua việc thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng nguồn năng lượng tái sử dụng, hay hấp thụ CO2 thông qua các hệ sinh thái rừng và đại dương hoặc “chôn” CO2 trong lòng đất.

Ngược lại, “thích nghi” nghĩa là ứng xử, đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu như tăng cường xây dựng đê ngăn lũ để chống lại tần suất bão và mực nước biển đang ngày càng gia tăng.

Tuy con người đã đầu tư rất nhiều tiền và nguồn nhân lực cho chiến lược “giảm thiểu”, nhưng thực tế lượng CO2 vẫn tăng, làm trái đất ấm lên. Chính vì thế chiến lược “thích nghi” trở nên hết sức cần thiết.

Thích nghi

Một số tổ chức quốc tế đã ước tính chi phí cho chiến lược thích nghi, mặc dù mức chênh lệch giữa các ước lượng này khá lớn. Theo Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UNFCCC) thì thế giới cần từ 60 – 182 tỷ USD vào năm 2030.

Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WorldBank) ước tính chi phí cho các dự án thích nghi với các tác động của biến động khí hậu tại các nước đang phát triển nằm trong khoảng 9 tỷ USD – 41 tỷ USD/năm. Con số của Tổ chức Oxfam là 50 tỷ USD/năm. Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) lại cho rằng yêu cầu tài chính cần cho chiến lược thích nghi tại các nước đang phát triển lên tới 86 tỷ USD – 109 tỷ USD một năm vào năm 2015.

Một báo cáo do nhóm nghiên cứu độc lập các vấn đề bền vững của Viện môi trường Stockholm thực hiện nhận xét rằng các ước tính trên dựa trên các phân tích hạn chế về tác động của khí hậu, về một số yếu tố nhất định và phần lớn ngoại suy từ các nước phát triển. Một số ít nghiên cứu đề cập tới hiệu ứng tích luỹ của các yếu tố hay kết quả của các tác động và thích nghi của biến đổi khí hậu ở tầm kinh tế vĩ mô.

Richard Klein thuộc Viện môi trường Stockholm cho biết mặc dù tất cả đều không phải là con số chính xác nhưng biến đổi khí hậu đang là thử thách môi trường rất lớn đối với phần đông dân số thế giới. Biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề riêng, nó phải được xem xét cùng tiến trình của sự phát triển. 

Ở một số nơi trên thế giới, như East Anglia hay những cư dân ở Nam Thái Bình Dương, cư dân tại đó đang có nguy cơ phải di dời chỗ ở do mực nước biển tăng, xói mòn bờ biển. Nhưng vấn đề đặt ra là nền văn hóa và các nét đặc trưng của họ cũng sẽ biến mất.

Không chỉ có con người, ngay cả động thực vật cũng tìm cách thích nghi với những biến đổi của thời tiết. Một số động thực vật thích nghi bằng cách di chuyển tới những khu vực địa lý cao hơn. Trong một nghiên cứu chuyên sâu về các vùng núi ở nước Pháp cho thấy, gần đây các rừng cây đã phát triển dần lên miền đất cao, với độ di chuyển trung bình mỗi thập kỷ là 29m.

Tuy nhiên, các loài sống ở vùng sinh thái cách biệt thì không thể di cư đi nơi khác. Mà khả năng của con người trong việc bảo tồn các loài động vật hoang dã này, như tạo hành lang giữa các khu vực sinh sống của động vật rất hạn chế. Giải quyết vấn đề suy giảm đa dạng sinh học là một trong những khó khăn lớn nhất của chiến lược thích nghi cũng như trong kinh tế.

Vấn đề thích nghi thường được gắn với vai trò của chính phủ, vì chỉ họ mới có thể đưa ra nguồn nhân lực và khả năng lãnh đạo chiến lược. Tuy nhiên, trên thực tế, các yếu tố cá nhân, bao gồm các công ty và hoạt động của người tiêu dùng lại đóng vai trò rất lớn.

Viện Môi trường Thụy Điển phân biệt hai dạng thích nghi “phòng xa” và thích nghi “phản ứng”. Việc lựa chọn biện pháp nào còn phụ thuộc vào việc hoạt động thích nghi đó xảy ra trước hay sau khi nhận thức được các tác động của biến đổi khí hậu. Xây nhà trên cột để ngăn lũ lụt hay thiết kế giếng dầu có chống bão là thích nghi “phòng xa”, trong khi thay đổi cơ cấu mùa màng nhằm thích ứng với thời tiết ấm hơn trong mùa đông là thích nghi “phản ứng”. Có sự liên quan giữa chiến lược thích nghi “có kế hoạch” (kết quả của của nhiều quyết định thận trọng) và chiến lược thích nghi “độc lập” (thay đổi tuỳ theo các điều kiện, bất chấp các chính sách hay kế hoạch từ trước).

Đôi khi chiến lược thích nghi “độc lập” có thể chống lại nỗ lực giảm thiểu hiện tượng trái đất ấm lên. Nếu người dân thích ứng với thời tiết nóng bức hơn trong mùa hè bằng cách mua máy điều hoà không khí thì lượng khí CO2 sẽ thải ra nhiều hơn, làm gia tăng việc tiêu thụ điện. Tuy nhiên, việc thích nghi cũng có thể giúp cho việc giảm thiểu, như trong năm ngoái, giá nhiên liệu cao đã giúp giảm lượng xe cộ lưu thông ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Có nhiều mức độ thích nghi “độc lập” mà xã hội có thể dựa vào đó để giảm tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu đặt niềm tin vào cơ chế thị trường và khả năng thay đổi của con người không cần tới sự can thiệp của chính phủ, một số khác lại nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ quan trong việc tận dụng các sáng kiến bằng việc cung cấp thông tin, sử dụng nguồn nhân lực và cơ cấu tổ chức lâu dài cho chiến lược hành động.