Trăn trở một làng nghề

ThienNhien.Net – Làng nghề Đại Lâm ngày nay đã được thay da đổi thịt, được làm mới hơn, nhà cửa được cơi nới, các ngõ nhỏ cũng được phủ “áo” bê tông. Duy chỉ có một điều vẫn vậy. Đó là nỗi ám ảnh về môi sinh ở Đại Lâm, về những dòng chảy ngầm dưới những “lớp áo” tưởng chừng như kiên cố ấy và cùng đi với nó là nỗi lo về nguồn nước sạch cho sinh hoạt, nỗi trăn trở để duy trì nghề mà cha ông để lại.


Nằm sát triền đê dọc sông Cầu, thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được biết đến với nghề sản xuất rượu lâu đời. Cả thôn hiện có khoảng 1300 hộ với hơn 5000 dân, trong đó, thời kỳ cao điểm (vào dịp cuối năm) có đến 90% số hộ cùng tham gia nấu rượu. Kèm theo nghề này, các hộ cũng kết hợp chăn nuôi để cải thiện đời sống. Mỗi gia đình nuôi ít nhất từ 4 – 5 con lợn, nhiều thì vài chục con. Chính vì vậy, môi trường Đại Lâm, từ lâu, đã trở thành nối ám ảnh đối với người dân và khách qua đường, dù các cống rãnh hiện nay đã được xây dựng lại ít nhiều.

Trăm rãnh đổ về một… kênh

Theo lời kể của nhiều người dân, vài năm trước kia, thôn Đại Lâm ô nhiễm hơn bây giờ nhiều. Hầu hết nước thải, rác thải từ sinh hoạt và nấu rượu (chủ yếu là nước ngâm sắn), chăn nuôi… đều xả trực tiếp ra các ngõ xóm. Nước chảy tràn lan, xuôi về phía ao hồ và các cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Toàn bộ các ao đều đen đặc như những bãi sình lầy, không loại cá nào sống được, chỉ cần lội xuống là bị ngứa hoặc viêm nhiễm ngay.

 

“Yêu cầu đổ rác xuống… nước” là quy tắc “bất thành văn” ở Đại Lâm? (Ảnh: Như Trang)  

Ngày nay, những ao hồ này đã được lấp đầy và dần trở thành đất ở, đất trồng hoa màu của bà con. Anh Nguyễn Văn Tiến, Phó thôn Đại Lâm cho biết, do dân số quá đông và tăng nhanh, diện tích đất thổ cư lại hạn hẹp nên hầu như toàn bộ ao, hồ phía sau làng đều đã được “phun đất, phun cát” để tận dụng thành đất ở. Dù chưa được địa phương đồng ý nhưng nhiều hộ dân vẫn tự động cơi nới đất hồ, xây cất nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi… Họ cho rằng, việc làm này “vừa giúp giải quyết khâu thiếu đất, vừa làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, vì cứ để nguyên trạng ao như khi xưa thì chính người Đại Lâm cũng không chịu nổi vì không khí luôn bốc mùi xú uế và đặc quánh…

 

Ngôi nhà này được cất mới trên nền ao tù nước đọng (Ảnh: ThienNhien.Net) 

Nhằm giúp địa phương cải thiện một phần tình trạng này, giữa năm 2005, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Bắc Ninh) đã lập dự án xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải cho toàn huyện Yên Phong, trong đó có Đại Lâm. Đầu năm 2009, dự án bắt đầu được triển khai ở Đại Lâm, với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng và cuối năm 2009, dự án đã cơ bản hoàn thành (hiện vẫn còn một đoạn kênh dài bị gián đoạn), giải quyết phần nào nạn ô nhiễm môi trường cho người dân nơi đây.

Tuy được thiết kế đơn giản (xây tường chắn hai bên, phía trên có nắp đậy bê tông) nhưng từ ngày có kênh thu gom, môi trường ở Đại Lâm được cải thiện hẳn. Thay bằng việc để nước thải chảy tràn lan như trước kia thì nay đã thu gom về một mối – kênh tiêu thoát nước. Điểm cuối của kênh này, dự kiến sẽ là Trạm bơm nước thải của thôn và tại đây, sau khi được “tập kết” đủ, lượng nước thải sẽ được bơm xả thẳng ra… sông Cầu.

Tuy nhiên, theo lời của anh Nguyễn Văn Hải, Trưởng thôn Đại Lâm, thôn vẫn chưa bơm hút chất thải lần nào vì vẫn còn một đoạn kênh dẫn chưa hoàn thành. Lượng nước thải của gần năm nay, cũng vì thế mà bị ứ đọng trong lòng kênh và những mương tù cạnh đồng. Nguy hiểm hơn, nhiều hộ sau khi lấp ao hồ đã dọn ra sinh sống ngay sát dòng kênh này!

Nằm trong hợp phần với Dự án xây kênh tiêu thoát nước thải, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Ninh cũng lập đề án và kêu gọi người dân xây hầm biogas để giải quyết vấn nạn ô nhiễm. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện thì nhiều hộ kêu khó, không làm được. Lý do là kinh phí xây hầm quá cao, từ 15 – 17 triệu đồng, trong khi phía Trung tâm chỉ hỗ trợ được hơn 1 triệu đồng/hộ, vì vậy, sau nhiều năm vận động, chỉ có vài trăm hộ đăng ký tham gia, đa phần số hộ này đều nấu rượu và nuôi nhiều lợn.

Theo anh Hải, phương án xây rãnh và kênh gom nước thải cũng chỉ là tạm thời, muốn giải quyết triệt tình trạng ô nhiễm thì phải xây biogas đến từng hộ. Tuy nhiên, điều này không dễ làm trong ngày một ngày hai. Và đây cũng chính là nỗi trăn trở của địa phương trong nhiều năm qua.

Nguy cơ đóng cửa nhà máy nước sạch…

Nước thải và tình trạng ô nhiễm không phải là nỗi lo duy nhất của người dân Đại Lâm, nguồn nước sạch cho sinh hoạt cũng là mối lo toan trước mắt.

Được Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh trực tiếp đầu tư, đầu năm 2007, Nhà máy sản xuất nước sạch của thôn chính thức đi vào hoạt động. Việc quản lý và kinh doanh nhà máy, ban đầu được đấu thầu và giao cho các cá nhân, tuy nhiên sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, nhà máy đã được bàn giao cho 4 cán bộ thôn Đại Lâm quản lý. Nhưng theo anh Trần Văn Tiến, Phó trưởng thôn Đại Lâm thì tình hình cũng không khá hơn. Anh cho biết, công trình này hoạt động từ 2007 nhưng hoàn toàn không thu được lãi vì hệ thống hoạt động không ổn định và thường xuyên bị một số hộ ăn cắp nước, người dân cũng vì thế mà ngày càng ít sử dụng hơn. Nếu không có kinh phí đầu tư, nâng cao hệ thống thì thời gian tới có thể sẽ phải đóng cửa nhà máy.

Cũng theo anh Tiến, hiện trong thôn có hơn 500 hộ đăng ký dùng nước sạch, tuy nhiên, khả năng đáp ứng của nhà máy rất hạn chế, hầu như chỉ đáp ứng được một phần nửa, phía gần nhà máy. Còn toàn bộ các hộ phía ven sông Cầu vẫn phải dùng nước giếng khoan.

Tình trạng hỏng máy bơm cũng thường xuyên diễn ra, nhiều khi phải thuê kỹ sư về sửa và sửa hàng tuần mới xong. Mạch nước ở các giếng bơm lên bể lọc của nhà máy cũng không ổn định, thường bị mất nước hoặc bị cát đùn, gây tắc ống và hỏng máy… Vì vậy, nhiều hộ tỏ ra không mặn mà với việc dùng nước sạch. Hầu như gia đình nào cũng phòng trừ một bể lọc nước giếng khoan và giả dụ có dùng thì họ cũng chỉ dám dùng trong sinh hoạt, chứ nấu rượu và chăn nuôi thì vẫn phải dùng nước giếng.

Điều đáng nói là cả loại nước giếng làng và nước giếng đồng bơm lên bể lọc nhà máy đều có màu vàng sậm, mùi tanh và khó chịu. Tuy chưa được xét nghiệm chất lượng nước, nhưng khả năng nước ở Đại Lâm bị nhiễm sắt là rất cao.

 

Nhà máy nước sạch ở Đại Lâm bị “nhuộm” màu bởi các tạp chất từ nước giếng khoan (Ảnh: Tú Anh) 

Cuối tháng 5 vừa qua, chính quyền địa phương đã phải tự bỏ chi phí để sửa chữa 3/4 máy bơm và số tiền này sẽ được “bù dần ” từ tiền… bán nước sạch cho dân!

… và nghề truyền thống bị “lung lay”

Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Đắc (80 tuổi, thôn Đại Lâm), từ khi lớn lên, cụ đã thấy làng có nghề nấu rượu này. Ngày đó, dân cư chưa đông đúc như bây giờ, người dân nấu rượu chủ yếu là để dùng, một số ít thì buôn bán nhỏ. Ngoài rượu gạo, rượu nếp, ở đây còn có đặc sản là rượu sắn.

Ngày nay, việc nấu rượu ở Đại Lâm đã giảm đi nhiều và thường tập trung theo mùa vụ. Hiện chỉ còn khoảng 30% số hộ thường xuyên duy trì nghề, nhưng vào dịp cuối năm, con số này có thể tăng lên 80 – 90% vì khi đó nhu cầu tiêu thụ rượu rất lớn. Rượu Đại Lâm thường được xuất đi các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất vẫn là Hà Nội. Rượu làm ra, giờ đây không còn để phục vụ người Đại Lâm mà chủ yếu để bán cho các đại lý thu mua rượu. Một số hộ tìm được “mối” riêng thì tự đi bán lẻ với giá bình quân 5.000 – 7.000 đồng/lít.

Sự có mặt của các đại lý thu mua giúp việc tiêu thụ rượu thuận tiện hơn nhưng bán cho đại lý thì các hộ dân thu lãi rất thấp bởi giá rẻ hơn nhiều so với bán lẻ. Vì vậy, trừ những gia đình không tìm được mối bán lẻ thì mới chấp nhận bán cho đại lý, bằng không họ vẫn tự mày mò tìm mối “đổ hàng”.

Trong khi một số chủ đại lý giàu lên nhờ kinh doanh từ rượu (chủ đại lý rượu ở Đại Lâm từng bị báo chí phản ánh nhiều lần về pha chế rượu cồn) thì nhiều hộ dân than phiền không muốn tiếp tục gắn bó với nghề. Họ làm nghề này chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác. Đa phần thanh niên ở Đại Lâm đều muốn xin đi làm ở các cụm, khu công nghiệp cạnh đó, chứ không muốn gắn bó với nghề rượu hoặc sản xuất nông nghiệp.

Một số hộ thì nhận thức được, do môi trường làng nghề quá ô nhiễm nên họ không muốn con cháu theo nghề. “Nếu chúng nó thoát ly được thì ra bên ngoài làm cho sướng, tội gì theo nghề nấu rượu, vất vả bẩn lắm cô ạ. Mùi hôi thối lúc nào cũng “xộc” thẳng lên nhà. Trời mưa thì còn đỡ, trời nắng thì không chịu nổi. Người già chúng tôi cũng thường xuyên thấy đau đầu, chóng mặt, sức khỏe giảm sút, có thời gian là muốn đi chơi sang làng khác ngay…” – cụ Đắc chia sẻ.

Như bao làng nghề khác, bản thân người Đại Lâm cũng nhận thức được phần nào mối nguy hại của làng nghề ảnh hưởng đến môi trường nhưng vì sinh kế, họ vẫn phải và có lẽ vẫn muốn gắn bó với nghề mà cha ông để lại, nếu có đầu ra tốt. Vì vâỵ, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp tốt trong việc tìm ra hướng đi mới cho làng rượu Đại Lâm, giải quyết những trăn trở còn tồn đọng dai dẳng, giúp dân ổn định phát triển kinh tế và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ I

Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ II

Đầu độc môi sinh, tự hại mình – Kỳ cuối