Rùng mình trước những hũ rượu ngâm cả con, gây nguy cơ ung thư, ngộ độc

Càng gần Tết nhu cầu tự ngâm và sử dụng rượu của người dân lại càng tăng cao. Đáng chú ý, trong thế giới rượu ngâm, các loại rượu ngâm động vật khiến nhiều người rùng mình.

Rượu ngâm động vật, ngâm nguyên cả con vật có bổ không?

Sốc với những hũ rượu tàn nhẫn “ngâm cả con” dịp Tết Nguyên đán

Rùng mình trước những hũ rượu ngâm cả con, gây nguy cơ ung thư, ngộ độc

Hành vi đáng lên án

Theo các chuyên gia, các loại động vật hoặc một phần của động vật được ngâm rượu, thường chỉ được ngâm theo kinh nghiệm dân gian. Thế nhưng, đến tận ngày nay, chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định tác dụng của những loại rượu ngâm đó.

Các loại động vật hầu hết được ngâm sống, chỉ sơ chế qua và không nấu chín. Thậm chí có một số loại được ngâm nguyên con hay ngâm từng phần tạng phủ động vật như rượu ngâm bào thai (dê, bê, hổ, khỉ), tinh hoàn và dương vật (dê, hải cẩu, hổ), tiết động vật (rắn, dê), mật (mật gấu, mật rắn, mật trăn), óc (khỉ), tay (gấu)… Rượu ngâm các loại cao động vật như rượu cao hổ cốt, rượu cao khỉ, rượu cao trăn, rượu cao sơn dương …

“Nhìn thấy những bình rượu ngâm những con thú “nửa sống nửa chín” như vậy, tôi thực sự muốn nôn ói. Không hiểu sao lại có những người thích uống các loại rượu đó. Thực sự là quá mê muội”- anh Lê Văn Kỳ (36 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thốt lên khi nhìn thấy những bức ảnh về các loại rượu ngâm cả con được đăng tải trên Báo Lao Động.

“Tôi cảm thấy rùng mình, ghê rợn trước sở thích của những người ngâm các con vật vào rượu để uống, để bồi bổ cơ thể. Đây là hành vi tàn sát động vật hoang dã đáng lên án, vi phạm quy định của pháp luật”- bạn Nguyễn Thu Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lên tiếng.

Pín hổ được ngâm trong bình rượu. Ảnh: Lam Anh

Nguy cơ ung thư, thậm chí tử vong

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng hơn 10%… Đây là những con số cảnh tỉnh đến một số người dân có sở thích uống rượu ngâm từ các loại động, thực vật.

Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng do trong máu của động vật thường bị nhiễm ký sinh trùng như: trứng giun sán, rồi trong quá trình lấy máu của chúng lại không đảm bảo vệ sinh nên có thể bị nhiễm vi khuẩn, ấu trùng; lại thêm việc ngâm rượu sai cách nên khi uống rượu thì ký sinh trùng sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết mọi người tự ngâm rượu để uống nhằm đảm bảo an toàn hơn và tốt cho sức khỏe hơn, nhưng đây là điều chưa hoàn toàn chính xác.

Thực tế, nhiều người do nghe tin đồn, tự ý ngâm rượu các loại dược liệu, động vật không rõ nguồn gốc và uống quá nhiều đã dẫn đến suy thận, viêm gan, ung thư dạ dày hoặc tử vong.

Do vậy, khi bị ngộ độc rượu trắng do hàm lượng methanol cao hay bị ngộ độc bởi các loại rượu ngâm cây, củ, quả, hạt hoặc động vật có hàm lượng độc tố cao (người uống rượu thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt,…) thì nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo việc sử dụng rượu tự ngâm các loại các cây, con và các bộ phận của động vật, côn trùng, có thể chịu hậu quả đáng tiếc do không kiểm soát được độc tố.

Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), nhiều người lầm tưởng về cây, con có tác dụng bồi bổ sức khỏe, trị bệnh và hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, các nguyên liệu đó có thể chứa độc chất tự nhiên mà người dùng không nhận biết được. Do đó, rượu bổ, rượu thuốc nếu không được kiểm soát lại là rượu độc.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không uống rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật vì không rõ độc tính.

Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Nếu có những triệu chứng khác thường sau khi uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.