Quảng Nam loại và tạm dừng 19 thủy điện vừa và nhỏ

ThienNhien.Net – Đây là thông tin được nêu ra tại cuộc họp rà soát lại các dự án thủy điện trên địa bàn được UBND tỉnh tổ chức vào chiều 10/10.

Theo báo cáo, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 1.584,6 MW. Trong đó, quy hoạch bậc thang thủy điện thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn có 10 dự án với tổng công suất 1.147 MW, chiếm 72,38% công suất thủy điện toàn tỉnh; quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ 34 dự án với tổng công suất 437,6 MW, chiếm 27,62% công suất thủy điện toàn tỉnh.

Về thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đến nay đã có 21 dự án đã thực hiện lập Báo cáo đáng giá tác động môi trường như: A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4… và có 22 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn.
Việc triển khai các dự án thủy điện khiến 1.736 hộ dân phải di dời, tái định cư, trong đó thủy điện Sông Tranh 2 có 1.046 hộ di dời tái định cư; A Vương: 330 hộ; Sông Bung 4: 229 hộ; Đăk Mi: 30 hộ; Sông Côn 2: 14 hộ…
Tổng diện tích đất đã thu hồi để phục vụ cho các dự án thủy điện là 7.047,68ha/11.384ha diện tích đất dự kiến thu hồi, trong đó 10 công trình theo quy hoạch bậc thang Vu Gia – Thu Bồn chiếm 76,57% diện tích (8.717,19ha/11.384ha); các công trình thủy điện vừa và nhỏ chiếm 22% (2.666,85ha/11.384ha).
Thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh: Bùi Hữu Cường)

Cũng theo báo cáo tại cuộc họp, hiện nay, các dự án thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thông sông Vu Gia – Thu Bồn có 10 dự án đã được đăng kí đầu tư, trong đó 4 công trình đã phát điện với tổng công suất 653 MW và 6 công trình đang xây dựng với tổng công xuất 494 MW.

Các dự án thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ gồm có 34 dự án đã phê duyệt, trong đó UBND tỉnh đã quyết định loại 02 thủy điện khỏi quy hoạch là Bồng Miêu (0,6 MW), Hà Ra (1 MW), 17 dự án đã tạm dừng, còn lại 7 thủy điện đã phát điện và 8 thủy điện đang xây dựng.

Lãnh đạo các địa phương tập trung nhiều dự án thủy điện như Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My… đều có chung ý kiến cho rằng việc xây dựng các công trình thủy điện đã gây khó khăn trong việc tái định cư cho người dân, thiếu đất canh tác, nạn phá rừng làm nhà sau tái định cư, đặc biệt là tình hình khai thác vàng trái phép diễn ra ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, một số dự án thủy điện ngừng triển triển khai xây dựng do thiếu vốn cũng dẫn đến vấn đề tái định cư của các hộ dân trong vùng dự án chưa ổn định.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng nhận định, hệ thống thủy điện hiện nay gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước hạ lưu, chiếm nhiều diện tích rừng, gia tăng hạn hán, lũ lụt… Sở đề nghị UBND tỉnh sớm có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khắc phục các tình trạng trên để ổn định đời sống cho người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đề nghị các công trình thủy điện trả lại dòng chảy tối thiểu cho vùng hạ lưu; giao Sở NN&PTNT chủ trì đánh giá lại công tác trồng lại rừng, rà soát lại và báo cáo về nhu cầu cấp nước hạ lưu, chủ động làm việc với các chủ đầu tư các công trình thủy điện về việc điều tiết nguồn nước hạ lưu. Xử lý nhanh việc cấp đất cho dân canh tác.

Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại mức độ ô nhiễm môi trường do việc xây dựng thủy điện gây ra, qua đó đưa ra các biện pháp cải thiện môi trường.

Sở Công thương tập trung rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết việc đẩy nhanh tiến độ thi công, kiên quyết loại các dự án thủy điện chưa xây dựng và tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dự án thủy điện đang xây dựng.