Cần mở rộng đối tượng chịu thuế môi trường

ThienNhien.Net – Ngày 31/5 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Thuế môi trường. Nhiều ý kiến đóng góp đã được chia sẻ và bàn bạc, trong đó, đa số các đại biểu đồng tình cho rằng cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế.


Luật Thuế môi trường: Cần có lộ trình cụ thể!

Thuế môi trường và phí môi trường: Thu cả đôi?

Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, trong khi nước ta chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường, nhằm đánh vào hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Các loại phí bảo vệ môi trường hiện hành mới chỉ dừng ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của các đối tượng xả thải vào môi trường, có tính chất pháp lý thấp nên tác dụng chưa cao.

Với 5 đối tượng hàng hóa được đề xuất chịu thuế trong Dự thảo (xăng dầu các loại, than, dung dịch HCFC, túi ni lông và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng), một số đại biểu cho rằng cần mở rộng đối tượng chịu thuế vì còn nhiều hàng hóa, dịch vụ khác cũng gây ô nhiễm môi trường.

“Có nhiều loại hình dịch vụ cũng gây ô nhiễm môi trường rất lớn như các nhà hàng, khách sạn xả thải ra sông ngòi, tại sao không đánh thuế để hạn chế tác hại và nâng cao ý thức của người dân” – Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Vượng nói.

Cho rằng không nên vì Dự thảo ngắn (với 14 Điều) mà quy định chung chung, Gs. Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội (đại biểu tỉnh Lạng Sơn) phát biểu: “Tôi đề nghị ban soạn thảo cần quy định từng mức thuế cụ thể với từng đối tượng để doanh nghiệp và người dân dễ hiểu, dễ thực hiện”.

Đây cũng là quan điểm được đại biểu Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đại biểu tỉnh Thái Nguyên) ủng hộ. Bà cũng ho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm giữa thuế và phí, tránh tình trạng thuế chồng lên phí.

Các đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng), Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) lại khuyến cáo cần nghiên cứu mức thuế cho phù hợp làm sao sắc thuế không ảnh hưởng lớn đến người dân nghèo khi mà xăng dầu, than… là mặt hàng thiết yếu của nhân dân.

Ngoài ra, sự cần thiết của việc phân loại và quy định mức thuế cao hơn đối với những sản phẩm có nhiều tác động xấu đến môi trường, chứ không quy định chung chung, đánh đồng các sản phẩm với nhau, trong khi mức độ gây ô nhiễm môi trường là khác nhau… cũng được các đại biểu bàn luận, phân tích sâu sắc.