GS.TS Hoàng Xuân Cơ: “Không nên miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu bay”

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, không nên áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022, chỉ nên xem xét giảm ở mức nào đó.
Vietnam Airlines vừa kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022.

Đồng thời, hãng này kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022 cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Vietnam Airlines kiến nghị xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022.

Liên quan đến đề xuất này, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học ( Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Giảm thuế môi trường cần phải xem xét nhiều khía cạnh

Ông đánh giá như thế nào trước đề xuất của Vietnam Airlines về phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022để đối phó việc giá xăng không ngừng tăng cao?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Như có lần tôi đã trả lời, thuế là công cụ quản lý kinh tế. Khi đánh thuế phải chỉ rõ lý do đánh thuế, đánh vào ai, vào đối tượng nào và với mức thuế bao nhiêu. Trong kinh tế thị trường, đánh thuế sẽ gây nhiều hệ quả, đặc biệt là làm thay đổi giá thành và thay đổi giá sản phẩm. Nhà nước phải cân nhắc nhiều vấn đề liên quan để đưa ra sắc thuế, mức thuế hợp lý nhất đối với loại đối tượng chịu thuế.

Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) theo cách gọi của Việt Nam là loại thuế đánh vào một số loại hàng hóa, nhiên liệu mà khi sử dụng có thể gây tác động xấu tới môi trường. Chẳng hạn thuế BVMT đánh vào xăng dầu vì khi sử dụng chạy xe cơ giới, khi đốt trong công nghiệp sẽ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí và chất khí nhà kính gây biến đổi khí hậu (BĐKH) nên không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đánh thuế với tên gọi khác nhau.

Nên nhớ rằng, thuế thu được sẽ do Nhà nước quyết định sử dụng, không nhất thiết cho công tác BVMT. Việc tăng giảm mức thuế ảnh hưởng đến tăng, giảm giá một số sản phẩm nên thuế có thể dùng để điều chỉnh giá khi thấy cần thiết.

Việc ngành hàng không đang gặp khó khăn do những nguyên nhân bất khả kháng như giảm hành khách (do dịch bệnh Covid-19) và giá nhiên liệu tăng cao (do cuộc chiến Nga – Ukraine và cấm vận của Mỹ cùng nhiều nước khác đối với Nga) cần có hỗ trợ của Nhà nước để duy trì hoạt động ở mức nào đó và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Vấn đề là Nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào, bằng phương thức nào cần phải xem xét nhiều khía cạnh khác nhau như: (1). Đánh giá mức thiệt hại và khả năng chống trả thời gian qua của ngành hàng không; (2). Dự báo khả năng duy trì hoạt động của ngành hàng không trong tương lai gần khi không có hỗ trợ; (3). Dự báo khả năng ảnh hưởng của dịch bệnh, của cuộc chiến Nga – Ukraine đến giá xăng dầu chung của toàn thế giới; (4). Tính toán mức giảm thuế hợp lý (ở đây chỉ đề cập thuế BVMT với xăng dầu nói chung và xăng cho ngành hàng không nói riêng) vừa có thể hỗ trợ ngành hàng không duy trì hoạt động vừa tránh giảm quá nhiều Ngân sách Nhà nước.

Như vậy, theo tôi có thể giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ hoạt động ngành hàng không vượt qua khó khăn hiện nay.

– Nhưng liệu đề xuất miễn 100% thuế môi trường liệu có hợp lý trong thời điểm này không, thưa ông?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Câu hỏi này tôi không thể trả lời thật rõ ràng. Đã có Đại biểu Quốc hội nói giảm thuế BVMT là không đúng với mục đích đánh loại thuế này, đặc biệt là khi giảm 100% mức thuế đối với nhiên liệu bay. Tuy nhiên, khi đánh thuế BVMT, làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm đã làm giảm mức tiêu thụ sản phẩm (theo quy luật cung-cầu), giảm mức tác động có hại tới môi trường. Khi gặp sự cố, nguyên nhân bất khả kháng cũng đã làm giảm mức tiêu thụ (xăng dầu trong trường hợp này), giảm tác động có hại rồi. Một chức năng của thuế là tạo nguồn thu cho Nhà nước để có kinh phí cho nhiều hoạt động, trong đó có cả kinh phí hỗ trợ những ngành kinh tế gặp khó khăn để họ tiếp tục hoạt động và có đóng góp lại cho Nhà nước, nhân dân, xã hội ở nhiều khía cạnh khác.

Giá xăng liên tục lập đỉnh tiến sát mức 30.000 đồng/lít vào ngày 11/3/2022. (Đồ họa: Thế Hiệp)

Vấn đề giảm 100% hay ở mức bao nhiêu phải xem xét nhiều khía cạnh (như phân tích ở trên) nên chỉ khi phân tích kỹ Nhà nước mới có thể quyết định được và công khai để toàn dân được biết. Ý kiến riêng tôi: Không nên giảm đến 100% mà ở mức nào đó: 75%, 80%, 90% chẳng hạn.

Thay đổi giá trần sẽ gây tác động nhiều mặt

– Ngoài đề xuất miễn thuế môi trường, Vietnam Airlines còn kiến nghị được điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022 và cho phép được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Về lý thuyết, giá trần (đối với ngành nào đó) được Nhà nước tính toán đưa ra để các doanh nghiệp áp dụng trong một hoàn cảnh, điều kiện nhất định. Mức giá trần hiện nay (đối với ngành hàng không) đã được Nhà nước ban hành từ trước và đã xem xét tới những điều kiện cụ thể.

Bây giờ điều kiện đã thay đổi (Covid-19 chiến sự Nga – Ukraine ), Nhà nước có thể xét lại, ban hành giá trần mới là điều bình thường. Tuy nhiên, thay đổi giá trần có thể tăng giá vé máy bay cũng sẽ tác động nhiều mặt tới hoạt động kinh tế-xã hội, cần phải xem xét. Tôi không phải chuyên gia kinh tế nên chỉ có ý kiến chung như vậy thôi.

– Theo ông, việc các hãng bay tăng phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay có gây thêm gánh nặng khách hàng? Đề xuất này liệu có ảnh hưởng đến kích cầu du lịch không?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Điều này là chắc chắn, dịch bệnh đã làm giảm đáng kể nguồn thu của người dân, bây gờ giá vé xe, tàu, máy bay tăng cũng sẽ gây sức ép cho việc quyết định đi du lịch hay không. Vấn đề là chúng ta phải có nghiên cứu đầy đủ hơn về các yếu tố kích cầu du lịch, đặc biệt là mong muốn, mức sẵn lòng chi trả (để có tour du lịch) ở mức nào khi giá cả tăng.

Những gì các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, các trang mạng và dư luận phản ảnh thì mặc dù giá có tăng nhưng vẫn có nhiều người đặt tour du lịch cả trong và ngoài nước. Điều đó chứng tỏ, tăng phụ thu nhiên liệu, tăng giá các chặng bay chỉ là một trong những yếu tố gây thêm gánh nặng cho người hàng khách cũng như ảnh hưởng đến kích cầu du lịch nhưng ở mức nào thì cần được phân tích trả lời. Với riêng tôi, mong rằng ảnh hưởng này không lớn, không quá kéo dài và du lịch sẽ nhanh chóng sôi nổi, phát triển trở lại.

Xin cảm ơn GS.TS Hoàng Xuân Cơ!

Ngày 31/12/2021, Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 sửa đổi bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế môi trường được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14.

Tại Điều 1 Nghị quyết số 13 quy định: “Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít”.

Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở mức 50% sẽ khiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.585 tỷ đồng, gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tính toán này Bộ Tài chính dựa trên cơ sở sản lượng nhiên liệu bay khoảng 80 triệu lít/tháng.