Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ cơn khát

ThienNhien.Net – Cũng giống như nhiều nơi trong khu vực, bước vào mùa khô năm 2010, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã gánh chịu tình trạng hạn hán khá khắc nghiệt. Đặc biệt, khi càng về cuối mùa khô cũng là thời kỳ cao điểm, khô hạn và xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng, dự báo tình trạng này có thể kéo dài đến hết tháng 4.


Nỗi lo khô hạn vùng Mê Kông

Thống kê từ Cục Thủy lợi cho biết, hiện nay, các kênh rạch đang cạn nước, sụt giảm hơn 0,5m so với những năm trước. Lượng mưa hụt nhiều, lại kết thúc sớm, nắng nóng ngay đầu năm, xâm nhập mặn sâu đến 70km. Nhiều khả năng trên 620.000ha vụ lúa Đông Xuân chưa thu hoạch xong ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có những giải pháp cấp bách. Kéo theo đó là tình trạng xâm nhập mặn không canh tác được, thiếu nước cho nuôi trồng thủy sản và nguy cơ cháy rừng cao.

Cũng do việc suy giảm nguồn nước, năng suất vụ Đông Xuân năm nay đã giảm 50% so với năm trước. Đáng buồn là nguy cơ thiếu nước đã đe doạ diện tích nuôi trồng thuỷ sản của các tỉnh ĐBSCL. Tại Bạc Liêu trong vòng chưa đầy một tuần đã có trên 1.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, nâng tổng số tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu vụ đến nay lên trên 5.300ha.

Theo TS. Lê Anh Tuấn, cán bộ Viện Biến đổi khí hậu – Đại học Cần Thơ, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thời tiết bất thường chung của cả khu vực, cùng với sự xuất hiện trở lại của El Nino và các tác động biến đổi khí hậu toàn cầu. Một phần cũng là do ảnh hưởng từ các đập thủy điện ở Vân Nam, Trung Quốc

Dự báo, nếu tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục kéo dài, 1/3 dân số trong vùng sẽ thiếu nước ngọt sinh hoạt. Vựa lúa, vựa cá lớn nhất cả nước sẽ bị suy giảm năng suất đáng kể.

TS. Lê Anh Tuấn cho biết thêm, biến đổi khí hậu và tác động của các đập nước ở thượng nguồn có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của Việt Nam trong tương lai mặc dầu các tác động này hiện nay vẫn chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, các nhà khoa học và nông dân cũng cần phải lưu ý.

Do đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần thu thập thêm dữ liệu và các phân tích khoa học về sự biến động tài nguyên nước sông Mê Kông theo số lượng, chất lượng cũng như các động thái thay đổi về khí hậu. Cần quy hoạch lại sự phát triển nông lâm ngư và thủy lợi theo bối cảnh biến đổi khí hậu và các tác động xuyên biến giới khác. Lưu ý đến việc tích nước ngọt, ngăn mặn, nghiên cứu sử dụng các giống lúa chịu hạn, chịu mặn. Có thể phải điều chỉnh lịch canh tác và áp dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm.

Cùng với ĐBSCL, cả lưu vực sông Mê Kông nhìn chung đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn và suy giảm nguồn nước. Điển hình là ở các tỉnh miền Bắc Thái Lan,  cộng đồng dân cư và các tổ chức môi trường đã phản ứng khá gay gắt về việc Trung Quốc ngăn giữ nước tại các đập thuỷ điện ở Vân Nam. Trước tình trạng này, Thủ tướng Thái Lan Abhisit đã có cuộc đối thoại và đề nghị Trung Quốc làm rõ các tác động của đập thủy điện đối với dòng chảy trên sông Mê Kông.

Hội nghị thượng đỉnh của Uỷ ban sông Mê Kông sẽ tổ chức tại Thái Lan vào tháng 4 tới cũng sẽ tập trung bàn thảo về giải pháp khai thác nước sông Mê Kông. Theo TS. Tuấn, khi tham gia hội nghị, Việt Nam cùng ba nước thành viên còn lại Lào, Cam pu chia và Thái Lan có thể yêu cầu phía Trung Quốc công khai các dữ liệu cũng như kế hoạch khai thác nước trên sông Mê Kông, đặc biệt phải công bố lịch vận hành các nhà máy thủy điện. Cần phải có một cam kết liên quốc gia và kế hoạch sử dụng nước sông Mê Kông, bảo đảm dòng chảy môi trường cho các nước hạ lưu.

Được biết, cũng trong thời điểm này, hiện tượng El Nino tái xuất hiện ở một số nơi thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Trung Quốc, Australia, Indonesia, Philippines… đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến gieo trồng, đất canh tác và nước sinh hoạt, được cảnh báo sẽ tiếp tục gây khô hạn trên diện rộng đến cuối tháng 5 tới.