Khuyếch đại Bắc cực

ThienNhien.Net – Lâu nay, người ta vẫn hay đổ lỗi các hiện tượng thời tiết cực đoan là do ảnh hưởng của các mô hình khí quyển và đại dương như dao động Bắc Đại Tây Dương (NAO), El Niño hay La Niña, song còn một thủ phạm giấu mặt mà đến nay khi tác động của nó đã lan tràn trên diện rộng mới được giới khoa học “điểm mặt chỉ tên” – đó là hiện tượng khuyếch đại Bắc cực (Arctic amplification).

Vốn dĩ Bắc cực lạnh hơn những vùng ôn đới khác. Chênh lệch về nhiệt độ đã đẩy các dòng khí quyển di chuyển nhanh từ Tây sang Đông, rồi chuyển động quanh bán cầu Bắc theo đường lượn sóng trong khoảng từ 30 – 60 độ vĩ Bắc.

Thế nhưng, Trái đất nóng dần lên cùng với tình trạng băng tan nhanh vào mùa hè ở hai địa cực như hiện nay đã gây nên hiện tượng khuyếch đại Bắc cực, khi đó nhiệt độ gần mặt đất ở vùng Bắc cực tăng gấp hơn 2 lần mức trung bình toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, đồng thời ảnh hưởng đáng kể tới dòng chảy khí quyển quanh bán cầu Bắc, nhất là các dòng khí quyển di chuyển qua khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nga.

Có tới 40% lượng băng ở Bắc cực đã bị tan chảy trong vòng 3 thập kỷ qua (Ảnh: Smh.com.au)

Ảnh hưởng đầu tiên từ khuyếch đại Bắc cực là làm chậm tốc độ di chuyển từ Tây sang Đông của các dòng khí quyển. Nhờ thường xuyên theo dõi và quan sát, các nhà khoa học nhận thấy rằng gió ở tầng trên thổi quanh khu vực Bắc bán cầu đang có xu hướng chậm lại vào mùa thu (khoảng từ tháng 10 đến tháng 12). Tốc độ gió tại một số vùng thậm chí còn giảm rất mạnh so với trước đó, điển hình là khu vực Bắc Mỹ và Bắc Đại Tây Dương – nơi tốc độ gió bị chậm lại khoảng 14% kể từ năm 1980.

Đây có thể là nguyên nhân khiến những trận bão ở nhiều vùng bị “tắc” lại lâu hơn. Đơn giản bởi các dòng khí đóng vai trò kiểm soát sự hình thành và di chuyển của bão, một khi tốc độ di chuyển của chúng chậm hơn mức bình thường thì hiển nhiên, “lịch trình” của những cơn bão cũng sẽ thay đổi theo.

Chưa hết, khuyếch đại Bắc cực còn đẩy nhanh tốc độ tan băng đá, tác động xấu tới sự tồn tại và vòng tuần hoàn của băng đá Bắc cực. Khi băng tan, bức xạ mặt trời thay vì được lớp băng phản chiếu lại không gian sẽ bị nước băng hấp thụ lại, càng làm cho băng ở Bắc cực tan nhanh hơn.

Đáng báo động, chỉ trong vòng 3 thập kỷ qua, khoảng 40% lượng băng ở Bắc cực đã tan chảy vào mùa hè, tương đương gần 42% diện tích lục địa Hoa Kỳ. Và trong thập kỷ cuối của thế kỷ XX, lượng nhiệt bị hấp thụ vào nước biển khi băng biến mất tỏa ra đã khiến nhiệt độ mùa thu ở Bắc cực tăng từ 2 – 5 độ C, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu toàn cầu.

Một số ý kiến cho rằng những hiện tượng thời tiết bất thường như lạnh giá kéo dài ở châu Âu, bão tuyết lớn ở Đông Bắc Hoa Kỳ và Alaska hay nắng nóng kéo dài ở Nga trong thời gian qua đều có liên quan tới hiện tượng khuyếch đại Bắc cực. Song cũng cần nhìn nhận rõ, các thảm họa thời tiết xảy ra trong thời gian qua bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không hoàn toàn do khuyếch đại Bắc cực. Chỉ có điều, trước xu hướng Trái đất tiếp tục nóng lên và băng vùng cực tiếp tục tan nhanh, dự báo khuyếch đại Bắc cực sẽ còn thường xuyên xuất hiện.

Khuyến cáo của các nhà khoa học là cần có thêm nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này để dự đoán những khu vực sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng.