Khánh thành Trung tâm thông tin rùa ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài rùa cho du khách tham quan, ngày 10/03/2010, Vườn quốc gia Cúc Phương đã khánh thành Trung tâm thông tin đầu tiên về rùa của khu vực.


Nằm ngay trong khuôn viên của Trung tâm Bảo tồn rùa, Trung tâm thông tin này sẽ trưng bày các bảng diễn giải, bể nuôi rùa nước ngọt, phòng ấp trứng, phòng nuôi rùa non, mô hình lều và các con đường mòn của thợ săn trong rừng.

“Chúng tôi hy vọng rằng Trung tâm thông tin về rùa sẽ giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về các loài rùa và những nguy cơ mà chúng đang phải đối mặt do nạn săn bắt và buôn bán trái phép hiện nay”, ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm – Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết. “Các loài rùa của Việt Nam đang bị săn bắt tới mức gần như tuyệt chủng. Sự tồn tại của nhiều loài rùa hiện nay phụ thuộc vào việc công chúng nhận thức được vấn đề này và cùng góp sức bảo vệ rùa”.

Song song với sự kiện Trung tâm thông tin rùa chính thức đi vào hoạt động, ENV đã phát hành hai tài liệu quan trọng hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nỗ lực giảm thiểu nạn buôn bán rùa trái phép.

Các tài liệu bao gồm một bộ phim ngắn với tiêu đề “Những mối hiểm họa đối với các loài rùa châu Á” cung cấp cho các cán bộ kiểm lâm và các nhà quản lý khu bảo tồn những thông tin về các loài rùa cũng như những mối đe dọa mà chúng đang phải đối mặt, cùng hành động cần thiết để bảo vệ chúng.

Tài liệu thứ hai là Hướng dẫn định đạng các loài rùa bao gồm ảnh và các thông tin định dạng chi tiết của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam. Tài liệu hướng dẫn định dạng cũng đưa ra khuyến cáo trong việc bảo vệ những loài đặc biệt nguy cấp.

Việt Nam được coi là một trong những điểm đa dạng rùa ở Châu Á với 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, bao gồm 20 loài rùa mai cứng và 5 loài rùa mai mềm. Việt Nam là quê hương của ít nhất hai loài rùa đặc hữu cũng như loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) – một trong những loài rùa nổi tiếng và quý hiếm nhất trên thế giới.

Hiện nay, nạn săn bắt và buôn bán rùa phục vụ chủ yếu cho nhu cầu về thức ăn và thuốc chữa bệnh từ người dân Trung Quốc đang đe doạ sự tồn tại của các loài rùa ở Việt Nam.

Nhiều bằng chứng cho thấy số lượng của hầu hết các loài rùa trong tự nhiên của Việt Nam đã giảm đáng kể trong 15 năm qua do một số lượng lớn rùa đã bị bắt và bán trái phép sang Trung Quốc. Các quần thể rùa còn lại trong tự nhiên bị chia cắt và suy giảm nghiêm trọng.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã ghi nhận 434 vụ săn bắt, buôn bán và vận chuyển trái phép các loài rùa cạn và rùa nước ngọt từ năm 2005. Trong số này bao gồm 163 vụ buôn lậu với tổng trọng lượng ước tính hơn 25 tấn rùa tương đương số lượng hơn 3.000 cá thể rùa.

Con số trên có thể chỉ là một phần nhỏ các vụ buôn bán rùa trái phép đã được các cơ quan thực chức năng phát hiện và xử lý. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần.

“Chúng tôi khuyến khích cộng đồng chung tay bảo vệ loài rùa của Việt Nam trước khi quá muộn” – Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Quản lý Chương trình Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV phát biểu. – “Nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng, các cơ quan chức năng không thể ngăn chặn thành công các loài rùa khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.

Bà Vân Anh cũng khuyến khích cộng đồng có những hành động thiết thực sau:

• Không mua hoặc sử dụng các loài rùa mai cứng và các sản phẩm làm từ rùa.

• Trước khi gọi món ba ba, hãy hỏi chủ nhà hàng và yêu cầu chỉ dùng ba ba trơn được gây nuôi từ các trang trại.

• Hãy khuyến khích mọi người tham gia bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ loài rùa và các loài động vật hoang dã khác.

• Thông báo tới cơ quan chức năng gần nhất hoặc liên hệ đường dây nóng miễn phí của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên các trường hợp săn bắt, buôn bán rùa và các loài động vật hoang dã khác.

Trung tâm thông tin về các loài rùa do Vườn quốc gia Cúc Phương hợp tác cùng ENV xây dựng với sự trợ giúp kỹ thuật của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á thuộc Vườn thú Cleveland Metroparks (Mỹ).