Buôn lậu ngà voi tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh

Theo một báo cáo gần đây của mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, thị trường ngà voi bất hợp pháp tại Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh.

Qua hai cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017, nhóm các nhà nghiên cứu của TRAFFIC thấy rằng vẫn có hơn 10.000 mặt hàng ngà voi được rao bán tại 852 cơ sở kinh doanh và trên 17 nền tảng trực tuyến. Điều này cho thấy rằng thị trường ngà voi Việt Nam, một trong những thị trường lớn nhất thế giới, đã tồn tại dai dẳng trong vài thập kỷ qua.

Các mặt hàng từ ngà voi được bán ở Việt Nam (Ảnh: TRAFFIC)

Nhóm thực hiện khảo sát tại 10 thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cai, Vinh, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Buôn Ma Thuột và Thành phố Hồ Chí Minh; cùng ba làng: Nhị Khê ở Hà Nội, Bản Đôn và Lak ở tỉnh Đắk Lắk.

Kết quả cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh và Buôn Ma Thuột có số lượng mặt hàng ngà voi được bán nhiều nhất. Tuy nhiên, hai làng Bản Đôn và Lak lại có số lượng mặt hàng được bán cao hơn hẳn số lượng cửa hàng. Trong số các nền tảng trực tuyến, các trang web truyền thông xã hội chào bán số lượng các mặt hàng ngà voi cao nhất.

Điều tra của TRAFFIC cũng cho thấy thị trường ngà voi Việt Nam trong khi vẫn tồn tại dai dẳng thì cũng liên tục thay đổi. Các nhà nghiên cứu không chỉ tìm thấy ngà voi được bán ở những nơi các nghiên cứu trước đó không tìm thấy mà còn quan sát sự thay đổi trên thị trường trong khoảng thời gian tám tháng của hai cuộc khảo sát.

Chẳng hạn, họ phát hiện ra số lượng ngà voi được bán ở các chợ tại Nhị Khê và Hạ Long giảm đáng kể giữa hai cuộc khảo sát, đồng thời lại có những thị trường ngà voi mới nổi lên. Ngà voi đang được rao bán ở Đà Nẵng và Vinh, những nơi chưa từng được ghi nhận trước đó là có thị trường ngà voi. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng số lượng ngà voi được bán tại hai thành phố này.

Theo các tác giả báo cáo, thị trường bán lẻ thậm chí được mở rộng tại Việt Nam, “khi mà ngà voi được thấy ở tất cả các địa điểm được khảo sát, kể cả Đà Nẵng và Vinh lần đầu tiên được góp mặt trong danh sách”.

Tương tự, có sự biến động giữa những người bán trên các trang truyền thông xã hội: nhiều người bán không còn quảng cáo ngà voi trong cuộc khảo sát thứ hai và nhiều người mới xuất hiện. Các cuộc khảo sát cũng tìm thấy mối liên hệ giữa thị trường ngà voi ngoài thực tế và thị trường trực tuyến với tám người bán đang sử dụng cả hai thị trường để bán ngà voi.

Theo báo cáo, doanh số bán ngà voi ở bốn điểm – Hạ Long, Bản Đôn, Lắk và Nhị Khê – trực tiếp gắn liền với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Ở những nơi này, ngà voi được bày bán chủ yếu tại các cửa hàng lưu niệm trên những đường phố du lịch nổi tiếng. Nhiều cửa hàng sử dụng tiếng Trung Quốc trên bảng quảng cáo về ngà voi thay vì dịch sang tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác và giá ngà được niêm yết bằng ngoại tệ như nhân dân tệ và đô la Mỹ.

Trong hai cuộc khảo sát, những người bán được phỏng vấn cho biết ngà voi có nguồn gốc từ Việt Nam. Nhưng Việt Nam chỉ còn không đầy 100 con voi hoang dã nên nhóm nghiên cứu của TRAFFIC tin rằng ngà voi có khả năng đến từ những con voi châu Phi (Loxodonta africana), đặc biệt là hầu hết ngà voi bị bắt giữ ở Việt Nam trong những năm gần đây đều đến từ các quốc gia là quê hương của loài này.

Các nhà khảo sát cũng nhận thấy những người bán biết rằng bán ngà voi là bất hợp pháp. Tuy nhiên, bà Sarah Sarah Ferguson, Giám đốc TRAFFIC tại Việt Nam cho biết “điều đó không ngăn được họ chào bán rộng rãi tại Việt Nam. Các nỗ lực chế tài và thực thi pháp luật phải bắt kịp thị trường, nếu không thị trường ngà voi bất hợp pháp của Việt Nam sẽ vẫn là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới”.

Ngà voi được rao bán ở Việt Nam có khả năng từ voi châu Phi (Ảnh: WWF)

Để giải quyết vấn đề thị trường ngà voi Việt Nam, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên bịt các kẽ hở pháp lý liên quan đến buôn bán voi châu Á, châu Phi và các bộ phận của chúng. Nhóm cũng đề nghị tăng cường xây dựng năng lực cho các nhân viên thực thi pháp luật để giúp họ cập nhật các xu hướng thị trường và thủ thuật tiếp thị mà người bán sử dụng để tránh bị phát hiện, đồng thời giảm nhu cầu của người tiêu dùng về ngà voi bằng cách cải thiện sự hiểu biết về động cơ và thực tiễn của những người mua ngà voi kết hợp thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi, thực hiện các cuộc khảo sát thường xuyên làm sáng tỏ bản chất biến động của thị trường ngà voi Việt Nam.

“Cho đến khi Việt Nam thực hiện hành động mang tính quyết định đối với các thị trường ngà voi bất hợp pháp dai dẳng, phù hợp với các cam kết theo Công ước CITES, bằng không Việt Nam vẫn sẽ hứng chịu phản ứng của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng săn trộm voi”, Minh Nguyễn, cán bộ nghiên cứu và quản lý dữ liệu của TRAFFIC, khẳng định.

Nhật Anh (Theo Mongabay.com)

Nguồn: