Cứ ba ngày thế giới mất một con hổ

ThienNhien.Net – Cái tít trên dễ khiến người ta nghi ngờ: Lấy đâu ra mà nhiều hổ thế? Nhưng quả thực, sự diễn giải nôm na đó không nằm ngoài những dữ liệu và con số đáng quan ngại mà Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã quốc tế (TRAFFIC) vừa công bố.

Bản báo cáo có tên Reduced to Skin and Bones (tạm dịch Suy giảm do bị khai thác lấy xương và da) cho biết từ tháng 1/2000 đến tháng 4/2010 các nhà chức trách đã thu giữ tang vật buôn bán vận chuyển trái phép có liên quan đến số phận của khoảng 1.069 đến 1.220 cá thể hổ, tại 11 trong số 13 quốc gia có hổ sinh sống. Điều này cũng có nghĩa mỗi năm có ít nhất 104 đến 119 con hổ đã bị giết và buôn bán.

Ấn Độ là quốc gia đứng đầu với 276 vụ bắt giữ. Các chuyên gia xác định có khoảng 469 đến 533 cá thể hổ là nạn nhân của những vụ buôn bán này.

Trung Quốc và Nê-pan giữ vị trí “á quân” với các con số lần lượt là 40 vụ (với khoảng 116 đến 124 cá thể hổ bị sát hại) và 39 vụ (113 đến130 cá thể).

Nhận xét về những dữ liệu công bố này, Pauline Verheij, người điều hành Chương trình giám sát buôn bán hổ do TRAFFIC and Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp thực hiện, đồng thời cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu nói: “Với thực tế là Ấn Độ chiếm đến nửa số lượng hổ trên toàn thế giới, cũng không có gì quá ngạc nhiên khi đất nước này có số lượng các vụ bắt giữ nhiều nhất. Những con số này có thể diễn giải theo nhiều cách, nó cho thấy tình trạng buôn bán bộ phận cơ thể hổ ở đây rất mạnh mẽ, mặt khác cũng thể hiện rằng lực lượng thực thi luật pháp của họ hoạt động hiệu quả, hoặc cả hai yếu tố này. Tuy nhiên, thông điệp lớn nhất mà nó phản ánh là quần thể hổ ở Ấn Độ đang chịu sức ép lớn từ nạn săn bắt” .

Thực thi pháp luật thôi chưa đủ

Tang vật trong các vụ thu giữ rất đa dạng, từ cá thể hổ sống cho đến xác hổ ướp lạnh hay các bộ phận cơ thể hổ như da, xương, móng, răng, pín,… phục vụ đủ loại nhu cầu khác nhau, từ trang trí nội thất , làm thuốc, bồi bổ sức khỏe cho đến đồ lưu niệm, vật cầu may.

Nhận xét về bản báo cáo mới công bố, Mike Baltzer, người phụ trách Sáng kiến bảo tồn hổ của WWF, cho rằng đây là những minh chứng thể hiện nạn buôn bán hổ trái phép vẫn còn đang tiếp tục hoành hành bất chấp rất nhiều nỗ lực của các chính phủ, các tổ chức bảo tồn tại các quốc gia có hổ sinh sống và các nước tiêu thụ sản phẩm từ hổ.

Rõ ràng những cố gắng đã không hiệu quả, không đủ sức ngăn cản những kẻ cố tình vi phạm. Cơ quan thực thi cần đi đến cùng, Không chỉ dừng lại ở khâu bắt giữ mà phải đẩy mạnh công tác điều tra, khởi tố và tuyên án hình sự để xã hội nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng của loại hình tội phạm này.

Bản báo cáo cho biết các vụ bắt giữ đang gia tăng rõ rệt ở In-đô-nê-xi-a, Nê-pan, Thái Lan và Việt Nam. Bên cạnh đó, một số điểm nóng về trung chuyển và buôn bán hổ được nhấn mạnh trong báo cáo, ngoài Nê-pan còn có các vùng biên giữa các quốc gia láng giềng: Ấn Độ và Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a và Thái Lan, Mi-an-ma và Trung Quốc, Nga và Trung Quốc. Có nhiều vụ bắt giữ diễn ra ngay cận kề các khu bảo tồn hổ.

Để thực thi pháp luật một cách hiệu quả đã khó, nhưng như Steven Broad, giám đốc điều hành TRAFFIC nhận xét thì điều đó vẫn chưa đủ. Biện pháp này cần được bổ sung bằng một chương trình hành động phối hợp triệt để để giảm nhu cầu tiêu thụ các bộ phận cơ thể hổ trên toàn bộ các nước chủ chốt của châu Á.

Như đánh giá của nhóm nghiên cứu, điểm yếu trong công tác thực thi pháp luật bảo vệ hổ hiện nay là còn thiếu thiện chí chính trị giữa các quốc gia liên đới cũng như ở cấp độ quốc tế.

Trong vòng một thế kỷ qua, số lượng hổ ngoài tự nhiên đã suy giảm từ 100.000 xuống chỉ còn khoảng 3.200 cá thể. Trong tháng 11 này, đại diện các quốc gia có hổ sinh sống sẽ hội tụ tại thành phố St. Petersburg của Nga để quyết định Chương trình phục hồi quần thể hổ toàn cầu, với mục tiêu đề xuất là phục hồi quần thể hổ với số lượng tăng gấp đôi hiện tại cho tới năm 2022.

Chương trình này sẽ có sự tham gia tích cực của Cơ quan quốc tế chống tội phạm về động vật hoang dã (ICCWC) – một liên minh giữa Công ước về buôn bán quốc tế động thực vật hoang dã (CITES), Cảnh sát quốc tế (INTERPOL), Văn phòng chống Tội phạm và Ma tuý của LHQ, Ngân hàng Thế giới và Hải Quan Quốc tế.