Con đường FFI lựa chọn

ThienNhien.Net – Sứ mệnh mà Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế (FFI) theo đuổi không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn các loài động vật hoang dã và đa dạng sinh học toàn cầu. Lựa chọn một con đường khó khăn nhưng bền vững hơn, IFI phối hợp và hỗ trợ các tổ chức bảo tồn địa phương để thông qua đó tạo ra một mạng lưới, một đội ngũ, một thế hệ mới tham gia vào đội ngũ bảo tồn.


FFI luôn nhận thức rằng xây dựng năng lực là nền tảng của những nỗ lực nghiêm túc nhằm tìm ra các giải pháp bảo tồn bền vững từ địa phương đến toàn cầu. Bởi lẽ, đối với các nguy cơ về đa dạng sinh học ở bất kì quốc gia nào trên thế giới, cơ hội cho giải pháp duy nhất tối ưu và bền vững thường nằm trong tay địa phương. Bàn tay ấy có thể từ chính quyền địa phương, từ người dân bản địa, từ các tổ chức đoàn thể hoặc từ sự hợp tác của cả ba bên.

Những can thiệp bên ngoài chỉ có thể mang lại những giải pháp ngắn hạn hoặc chỉ như một sự trì hoãn, trừ khi nó có thể phối hợp với các mục tiêu đảm bảo khả năng phát triển bền vững lâu dài của hoạt động bảo tồn.

Nhận thức rõ điều này, FFI ưu tiên tập trung vào các hoạt động bảo tồn thông qua các đối tác ở địa phương, không phải vì việc này đơn giản hay nhanh chóng hơn mà bởi điều này quyết định thiết yếu đến thành công lâu dài của công tác bảo tồn.

Tương lai của thế giới tự nhiên nhờ đó sẽ được bàn tay của các nhà bảo tồn thế hệ mới chăm sóc, một thế hệ được tập hợp ngày càng đông đảo nhờ quá trình làm việc cùng FFI.

FFI thường nhận lời mời hỗ trợ từ các địa phương và các quốc gia. Tuy nhiên, điều mà các tổ chức địa phương và cá nhân cần làm không chỉ là sẵn sàng đón nhận sự gúp đỡ của FFI mà còn phải đảm nhận trách nhiệm bảo tồn những di sản thiên nhiên chung của thế giới.

FFI thừa nhận rằng các đối tác ở các nước đang phát triển thường bị giới hạn trong việc tiếp cận các nguồn lực và nguồn tài chính cần thiết bởi họ là các tổ chức trẻ, thậm chí vẫn còn ở thời kỳ phôi thai. Chính vì thế, sự hỗ trợ của FFI đối với các tổ chức này là giúp họ nâng cao kỹ năng, giúp họ tồn tại và phát triển.

Công việc FFI làm đôi khi chỉ là hỗ trợ một tổ chức đã phát triển, giúp họ có thể phát huy hết tiềm năng, đôi khi phải cải tổ một tổ chức và đôi khi phải thành lập một tổ chức mới. Tùy từng công việc, FFI có cách tiếp cận phù hợp.

Xây dựng năng lực đối với FFI không có nghĩa là ném tiền vào giải quyết một vấn đề, bởi hỗ trợ tài chính tuy rất cần thiết, nhưng nâng cao kiến thức, truyền đạt kỹ năng, tư vấn, đào tạo mới là chìa khóa dẫn đến thành công lâu dài.

FFI không chỉ làm việc ở những nơi có tiềm năng bảo tồn lớn nhất mà còn cả ở những nơi có áp lực bảo tồn lớn nhất. Chính vì thế đối tượng chủ yếu cho các dự án bảo tồn của FFI là các nước đang phát triển bởi một lẽ đơn giản là các nước này thường có sự đa dạng loài hơn hẳn song lại ít có khả năng bảo tồn.

FFI thừa nhận rằng triển khai các dự án bảo tồn thông qua đối tác bản địa là con đường gập ghềnh hơn so với việc trực tiếp mở văn phòng tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh kết quả mà con đường đó mang lại là bền vững và tốt đẹp hơn nhiều.