Rừng bị khoét sâu bởi cơn khát… quặng

ThienNhien.Net – Được xem là vùng có vỉa quặng lộ thiên nhiều nhất, xã Tràng Phái và Tân Đoàn thuộc huyện Văn Quan, Lạng Sơn từ lâu đã trở thành tụ điểm khai thác quặng. Những người nông dân đã vô tình bị biến thành những “khoáng tặc”, khiến vùng núi trù phú trước kia nay trở thành những quả đồi nham nhở, trọc lốc, ngày càng bị bào mòn và khoét sâu dữ dội.


Không chỉ “gặm” nham nhở đồi núi, các tụ điểm khai thác (chủ yếu là khai thác quặng bauxite, đá đen, chì, kẽm, bạc…) còn xả thải trực tiếp xuống khe núi. Hoạt động khai thác cũng có thể gây sạt lở bùn đất khi có mưa to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thôn, xã lân cận, nặng nhất là xã Mai Sao của huyện Chi Lăng. 

Theo số liệu địa chất, trên địa bàn xã Tân Đoàn và Tràng Phái có tổng trữ lượng quặng bauxite khoảng 16 – 18 triệu tấn, nhưng phân bố không tập trung, năm 2000 đã khai thác được khoảng 2.700 tấn.

Các con đường liên xã, liên thôn dẫn vào các điểm quặng cũng bị “băm vằm” không thương tiếc. Còn người dân hai bên đường thì vẫn hàng ngày phải chịu rủi ro từ những chiếc xe “hung thần” chở quặng.

Theo tìm hiểu của Báo Khoa học và Đời sống, vấn đề xử lý chất thải, tác động môi trường… của các doanh nghiệp tư nhân khai thác quặng (như Công ty Hồng Linh, Mai Ánh, Minh Đức…) đã được kiểm tra nhiều lần, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức.

Điều đáng nói là lao động khai thác quặng chủ yếu là người dân địa phương. Họ thường làm thuê cho các doanh nghiệp khai thác, thậm chí có hộ còn đào bới quặng ngay tại vườn nhà rồi gom tập trung bán lại cho doanh nghiệp. Mỗi một xe tính trung bình cũng được 6 khối, trị giá 240.000 đồng.