Biến đổi khí hậu: Sáo ngữ 2009!

ThienNhien.Net – Năm 2009 qua đi với nhiều lo lắng và bất an hơn khi viễn cảnh tương lai của loài người không có vẻ gì thật sáng sủa trên cái nền xám xịt của biến đổi khí hậu. Thế giới ngày càng phẳng hơn, kết nối mạnh mẽ hơn nhưng lại không hề gần nhau hơn như mong đợi. Sau hàng thập kỷ chiến tranh lạnh, loài người giờ đây đang phải đối mặt với một cuộc chiến nóng theo đúng nghĩa đen của từ này – cuộc chiến giữa con người với khí hậu và chính giữa con người với nhau. Lời cảnh báo “biến đổi khí hậu” rầm rĩ trong suốt năm 2009 dường như đã trở thành sáo ngữ khi các quốc gia trên hành tinh này cuối cùng vẫn không đi đến một chương trình hành động cụ thể nào để tự cứu chính mình.


Sáo ngữ lên ngôi

Cùng với những thay đổi hiện hữu của môi trường thiên nhiên, cụm từ “biến đổi khí hậu” xuất hiện ngày càng dày đặc trên truyền thông toàn cầu, từ những trang blog cá nhân, những mạng xã hội cho đến báo chí, truyền hình…

Cụm từ này cũng xuất hiện trên các bàn đàm phán khu vực, quốc tế, toàn cầu thể hiện mối quan tâm, quan ngại chung của toàn thế giới, song nhiều khi cũng chỉ như một món trang sức đi kèm minh họa cho ý thức trách nhiệm cao của các bên.

Nó được lồng vào nội dung phát biểu, thông điệp của các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới trong các sự kiện quan trọng.

Nó được phát triển thành các “chương trình hành động”, “kế hoạch ứng phó” sôi nổi, hoành tráng cùng với những nguồn ngân sách khổng lồ.

Nó làm thay đổi nội dung cam kết nguồn vốn từ các chính phủ, các nhà tài trợ song phương, đa phương, quỹ tư nhân …

Đi theo đó là sự chuyển hướng của các tổ chức, từ các tổ chức môi trường cho đến các tổ chức ngoài lĩnh vực này. Nhiều mục tiêu truyền thống như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo … có vẻ trở nên mờ nhạt hơn. Ai cũng muốn nói đến “biến đổi khí hậu” và muốn tham gia vào cuộc chiến mới mẻ, thức thời, kịch tính và …hấp dẫn này.

Nói nhiều, làm ít

Thế nhưng, những nỗ lực dường như còn quá ít ỏi. Có chăng những nỗ lực dễ nhận thấy nhất là của giới khoa học và truyền thông! Song liệu nghiên cứu khoa học và đánh động lương tri, thức tỉnh nhận thức của con người là đủ để cứu thế giới?

Những cánh rừng nguyên sinh tiếp tục bị đốn hạ. Vô vàn hệ sinh thái tự nhiên – những hệ thống hoạt động “vô tư” và không ngừng nghỉ để hấp thụ, xử lý chất thải nhân tạo – vẫn bị triệt tiêu để phục vụ nhu cầu tham lam vô đáy của con người.

Bản chất của cuộc đua tăng trưởng kinh tế vẫn không đổi: không ai hy sinh lợi ích kinh tế để giảm phát thải; từ quy hoạch cơ sở hạ tầng cho đến thượng tầng kiến trúc các nền kinh tế vẫn chưa có những chuyển biến căn bản hứa hẹn một sự đổi thay; thói quen tiêu dùng và hưởng thụ không có vẻ gì suy chuyển.

Đỉnh điểm là sự bất đồng giữa các nước giàu và nước nghèo trong cuộc cãi vã: Ai chịu trách nhiệm chống biến đổi khí hậu? Ai chi tiền? Chi bao nhiêu? Cuối cùng, dĩ nhiên là không ai chịu ai và kết cục là thất bại của Hội nghị Copenhagen.

Thiết nghĩ, thất bại là điều khó tránh khỏi và cũng rất dễ hiểu khi không ai sẵn sàng từ bỏ lợi ích vị kỷ của mình, khi triết lý phát triển của thế giới này vẫn là chiếm hữu và bóc lột thiên nhiên, khi mục đích của mỗi quốc gia là gia tăng tích lũy và đua tăng trưởng chứ không phải đảm bảo sự phồn vinh cho toàn nhân loại, khi mà “phát triển bền vững” vẫn chỉ là khẩu hiệu hay đơn thuần là một giấc mơ xa vời.

Bi quan hay lạc quan cho tương lai?

Thế giới sẽ ra sao khi ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, tầng lớp trung lưu và thị dân đang ngày càng nhiều lên; khi những quốc gia có dân số khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ đang sẵn sàng bổ sung thêm nhiều và rất nhiều người tiêu dùng nhiều tiền lắm của, sẵn sàng chi tiêu và hưởng thụ những tiện nghi của “nền văn minh”?

Cùng với xu hướng này, nhu cầu năng lượng, nhu cầu nhiên liệu, tiện nghi cuộc sống chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng song song với sự “tổn thương” của thiên nhiên.

Liệu các chính phủ, các nhóm xã hội và các tổ chức quốc tế có dũng cảm thay đổi các định chế hiện tại để xây dựng lên một thiết chế khác đoàn kết hơn, đồng thuận hơn nhằm chống lại cuộc chiến nóng lên toàn cầu?

Tuy nhiên, thực tế liệu có tồn tại hay không một thiết chế quốc tế có thể hạn chế lòng tham và sự ích kỷ của con người? Hay con người sẽ bất lực và đợi chính thiên nhiên tự điều chỉnh lại hệ sinh thái đang hoạt động quá ngưỡng công suất này?

Dù sao chăng nữa, con người cũng chỉ là một trong số hàng triệu triệu sinh linh hiện hữu trên hành tinh sống đơn độc của Thái dương hệ này. Và chính vì thế con người không thể ích kỷ hy sinh muôn loài cho mục đích hưởng thụ của riêng mình.

Thay vì tranh cãi về trách nhiệm, các cường quốc, các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia – vốn đang nắm phần lớn nguồn lực và quyền lực của thế giới – lẽ ra phải làm gương, đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Không có lý lẽ biện hộ nào khi họ có thể khuynh đảo tất cả nhưng lại từ chối trách nhiệm cứu thế giới trước hiểm họa chung. Lý do duy nhất mà thế giới có thể hiểu được có lẽ chỉ bởi, trong cuộc chiến này, không có mùi vị hấp dẫn của lợi nhuận và cơ hội mua bán, đổi chác!