Rừng trồng mới giảm nhưng diện tích bị phá tăng hơn 45%

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, rừng trồng mới cả nước giảm, nhưng diện tích bị phá lại tăng đến hơn 45%.

Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn bởi nhiều đơn hàng xuất khẩu gỗ bị hủy hoặc chậm thanh toán nên giảm thu mua gỗ nguyên liệu. Điều này dẫn đến chuỗi cung ứng gỗ bị giảm. Dù vậy tính đến tháng 10/2020, giá trị sản xuất vẫn đạt 31.300 tỷ đồng, tăng 2,08% so với cùng kỳ 2019.

Hàng trăm hecta rừng bị phá từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh minh họa.

Trong quý III/2020, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 63.200ha, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 4,529 triệu m3, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 169.5000ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác đạt 12,05 triệu m3, tăng 1,8%; sản lượng củi khai thác đạt 14,4 triệu ste, giảm 0,3%.

Thời gian qua, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng cháy chữa cháy tại những địa phương có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Nhờ đó, cơ bản đã kiểm soát được tình hình, giảm mạnh thiệt hại do cháy rừng. Mặc dù vậy, thống kê đến ngày 15/9, diện tích rừng bị thiệt hại cả nước vẫn lên tới 1.291ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 603,7ha, giảm 78,2%; diện tích rừng bị phá là 687,3ha, tăng 45,1%.

Cả nước đã thu được 1.424,3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 50% kế hoạch thu năm 2020 và bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ quỹ trung ương là 926,04 tỷ đồng, từ quỹ tỉnh là 498,29 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản. Đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng mùa khô.

Từng bước triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống. Đồng thời, đánh giá, tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020; xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025.