TP.HCM: Xóa dự án, quy hoạch vẫn “treo”

ThienNhien.Net – Hàng năm TPHCM thường xuyên rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, rầm rộ nhất là năm 2013 đã loại bỏ 81 dự án, thể hiện sự mạnh tay với các chủ đầu tư thiếu khả năng. Tuy nhiên, dường như giải pháp này vẫn chưa đủ “đô” để giúp người dân sống trong các dự án này thoát “treo”…

“Thương đứa con thứ 5!”

Hai bên cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7) đã lột xác, vùng đất vốn dĩ là ruộng ao trước đó nay thành khu đô thị Him Lam Kênh Tẻ hiện đại, các dãy nhà phố, biệt thự, chung cư cao tầng mọc lên san sát. Tiếp đó, cầu Him Lam bắc qua sông Ông Lớn hoàn thành, nối khu đô thị này với khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, trở thành khu đô thị hoàn hảo về hạ tầng. Nhưng ít ai biết rằng, một dải đất với hàng trăm căn nhà lụp xụp chạy dọc theo sông Ông Lớn lại là một sự thua thiệt.

“Phường có 5 khu phố, coi như 5 đứa con thì thương nhất đứa con thứ 5”, ông Lê Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận 7 ví von một cách xót xa khi nói về khu phố 5, vùng đất chạy dài theo sông Ông Lớn. Năm ngoái, cái được lớn nhất là đã đưa nước sạch về khu phố cho bà con sử dụng, trước đó điện chiếu sáng cũng phủ xuống từng hộ dân. Đặc biệt mới đây, người dân đã được sửa chữa nhà hoặc cấp phép xây dựng tạm. Điều đó phần nào khuây khỏa cho bà con vì nhiều năm nằm trong quy hoạch, thiếu thốn, khó khăn vây bủa.

“Năm nay chúng tôi quyết tâm xây dựng khu này thành khu phố văn hóa, kiến nghị quận cho phép cùng nhân dân nâng cấp hẻm, làm vệ sinh môi trường sạch sẽ ở những khu đất hoang hóa” – ông Quân cho biết. Len lỏi vào các hẻm ở khu phố này mới hiểu cảnh khốn khổ của 400 hộ dân nơi đây. Những con hẻm chật chội, lóc xóc ổ gà, hầu hết là nhà cửa tạm, nhiều khu đất trống biến thành bãi rác bẩn thỉu. Ông Nguyễn Tấn Đởm, Tổ trưởng khu phố 5, cho biết thêm, đối với những hộ dân trong hẻm sâu, nước sinh hoạt không tới được vì đầu tư cho đường ống tốn kém, nhà cửa không cho chuyển nhượng, không cấp giấy chủ quyền.

Năm 2002, thành phố thu hồi toàn bộ khu đất 15ha tại khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7, cho Cảng sông thành phố thuê để xây dựng bến sông Ông Lớn. Năm 2007 thành phố thu hồi quyết định này, tháng 12-2009 giao cho Công ty CP đầu tư Hoàng Tháp “nghiên cứu để đầu tư dự án khu dân cư, thương mại, trường học, bệnh viện”. Ngày 30-8-2012, thành phố thu hồi chủ trương trên vì chủ đầu tư “nghiên cứu” quá lâu. Còn hiện nay, theo ông Lê Hồng Quân, khu này chưa có quy hoạch chi tiết, còn quy hoạch 1/5.000 là khu hỗn hợp.

Chỉ xóa dự án

Nói là mặt tiền quốc lộ 50 nhưng chỉ cách cầu Chà Và với quận 5 chừng 2km, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nặng gánh về dự án. Theo một nhân viên địa chính của xã, có tổng cộng 7 dự án đã xóa bỏ, gồm khu dân cư Bình Minh Gia Lộc, khu dân cư nhà ở xã hội, khu trung tâm thương mại dịch vụ BSC- WTV, khu dân cư Nam Sài Gòn Sadeco, khu dân cư I.B.O, khu dân cư Đại Ban và khu Trung tâm thể dục thể thao số 5 với tổng cộng trên 70ha đất. Xóa bỏ dự án thì dễ nhưng hệ quả để lại đã in hằn trong nếp nhớ của người dân nơi đây.

Tại dự án Platinum Plaza Development rộng hơn 10ha của Công ty TNHH BSC-WCT, việc thu hồi là do dự án chậm tiến độ, chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Trương Văn Lo, Tổ trưởng tổ 118, ấp 2A, xã Bình Hưng cho biết, dự án đã quy hoạch mười mấy năm nay, chính quyền gần như bỏ phế, không thể đầu tư hạ tầng, điện, nước. Mặc dù nằm sát trung tâm thành phố nhưng khu vực này còn tệ hơn cả vùng nông thôn hẻo lánh. Những căn nhà lụp xụp lúc nào cũng ẩm thấp vì ngập nước, những con đường đất hẹp đến nỗi xe máy đi qua không lọt. Cũng theo cán bộ địa chính xã, người dân sửa chữa nhà cửa cũng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết, bỏ dự án chứ không bỏ quy hoạch!

Dự án khu phức hợp Đầm Sen thuộc phường 3 quận 11 tuy đã xóa “treo” từ tháng 3-2012 nhưng vẫn giữ quy hoạch là đất phức hợp và đang làm thủ tục để trao giấy phép đầu tư dự án này cho chủ đầu tư mới. Theo người dân cư ngụ ở đây, muốn xây nhà phải cam kết không yêu cầu bồi thường, nhà nước thường xuyên thông báo sắp có chủ đầu tư mới, thành ra không ai dám bỏ tiền xây nhà. Còn quận nói thu hồi dự án nhưng quy hoạch vẫn phải giữ vì hạ tầng rất tệ, không kết nối được với bên ngoài…

Quyết định của UBND thành phố xóa quy hoạch “treo” đã quy định người dân có đất trong khu vực dự án vừa xóa “treo” sẽ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được xây, sửa nhà cửa. Đặc biệt, nhà đất của người dân sẽ được cấp giấy chủ quyền để thực hiện các quyền cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng… Nhưng thực tế cho thấy, việc xóa treo bước đầu đem lại quyền lợi của người dân quá ít và còn nhiều việc phải làm!