Nhiễm độc chì – cũng chỉ vì nghèo đói

ThienNhien.Net – Một đứa con chào đời là niềm hạnh phúc, là hy vọng, là hứa hẹn tương lai sáng lạn đối với một người mẹ. Nhưng với Carol Allen, những nỗi niềm ấy lại biến thành nước mắt. Ba đứa con đầu của bà đều bị nhiễm độc chì bởi ô nhiễm môi trường ở Red Pond, đảo quốc Jamaica vùng Caribe. Ô nhiễm chì và kim loại nặng hiện đang là tác nhân gây bệnh cho nhiều trẻ em khắp thế giới. Ở Jamaica và những nước nghèo khác, ô nhiễm chính là cái giá của sự phát triển.


Năm 1993 một công ty cung cấp pin tư nhân đã xây dựng một nhà máy tái chế chì ở Red Pond, cách thủ đô Kingston của đảo quốc Jamaica 40km. Lúc đầu chỉ có mấy trăm gia đình sống xung quanh nhà máy, nhưng sau 2 năm, số dân cư đã lên tới hơn 2000, khi những người dân từ vùng lân cận tới tìm việc.

Bà Carol, người phụ nữ có ba con bị nhiễm độc chì cho biết: “Cứ mỗi lần nhà máy bắt đầu nấu kim loại, mây đen lại bao phủ mọi thứ”. Các con của bà đều mắc bệnh động kinh do nhiễm độc chì.

Trong suốt 26 năm nhà máy tái chế chì này hoạt động, người dân trong khu vực cùng những cộng đồng nghèo khác cũng bắt đầu nấu chì ngay sân sau nhà mình. Điều này khiến các khu vui chơi của trẻ và những khu vực khác trong vùng ô nhiễm nặng. Không ai khác, chính bọn trẻ là những nạn nhân đầu tiên hấp thụ lượng lớn chì, trẻ càng nhỏ thì ảnh hưởng càng nặng.

T.S Gerald Lalor, Tổng giám đốc Trung tâm Quốc gia về Khoa học Môi trường và Hạt nhân (ICENS) của Jamaica cho biết, phơi nhiễm chì trong hai năm đầu đời sẽ ảnh hưởng nặng nề tới não bộ, tới thận và tim của trẻ.

Bất chấp hiểm nguy vì nghèo đói…

Viện Blacksmith, một viện nghiên cứu về sức khỏe môi trường ở Mỹ, đã xếp hoạt động tái chế chì từ pin là một trong mười hoạt động gây ô nhiễm hàng đầu. Theo ước tính, thế giới hiện có tới 120 triệu người bị phơi nhiễm chì. 80 quốc gia phát hiện trẻ bị nhiễm độc chì nghiêm trọng. Năm 2008 ở Dakar, Senegal có 18 trẻ chết vì nhiễm độc chì.

Hơn 12 triệu người ở các quốc gia đang phát triển bị nhiễm độc chì từ quá trình xử lý pin axít chì đã qua sử dụng. Vấn nạn tái chế không an toàn và thiếu quản lý ngày càng phức tạp do tỉ lệ thất nghiệp cao ở tầng lớp dưới của xã hội, trong khi quá trình công nghiệp hóa mạnh, cơ sở hạ tầng được nâng cao, tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có, sở hữu nhiều ô tô hơn, và vì thế pin được nhập khẩu nhiều hơn.

Những người bị phơi nhiễm chì từ các hoạt động nấu chì chính thức hay không chính thức đều không được quản lý chặt chẽ. Khắp nơi trên thế giới người ta nấu pin một cách vô tội vạ để lấy chì. Bất chấp hiểm nguy, những nhu cầu kinh tế cấp thiết buộc người nghèo phải tiếp tục mạo hiểm với công việc này.

Trưởng phòng thí nghiệm hạt nhân của ICENS, Charles Grant chua chát nói: “Chỉ vì kinh tế, dù biết việc đang làm gây tổn hại cho con cháu, song với những người buộc phải làm công việc nấu chì, vấn đề là con họ phải chết đói bây giờ hay chết vì nhiễm độc chì sau này.”

… và những nạn nhân vô tội

Sống ở Maverly, một vùng ngoại ô thủ đô Kingston, Jamaica, khi lên hai, Sasha-Gaye được đưa vào Bệnh viện Nhi Bustamante và bị chuẩn đoán mắc bệnh động kinh do nhiễm độc chì từ lò nấu của cha cô ở nhà. Lượng chì trong máu của cô bé được xác định ở mức 130 micro gam trên một đề-xi-lít máu (μg/dL), gấp mười ba lần mức cho phép.

Biện pháp điều trị trong trường hợp này là đưa chất đinatri EDTA vào cơ thể bệnh nhân để kìm hãm lượng chì tăng trong máu. Theo đó, kim loại sẽ được hòa tan và đi ra ngoài cơ thể qua đường bài tiết. Nếu được điều trị đều đặn, tình hình của trẻ sẽ được cái thiện đáng kể, không còn dư lượng chì trong máu nữa.

Nhưng 5 năm sau khi được đưa vào bệnh viện lần đầu tiên, Sasha-Gaye lại phải nhập viện cùng với em trai hai tuổi của cô – Shane. Lượng chì trong máu của Sasha-Gaye lần này là 62 μg/dL, và của Shane là 135 μg/dL. 3 năm sau đó, khả năng đọc của hai đứa trẻ vẫn không có gì tiến triển. Đây là kết quả của việc cha mẹ các bé vẫn tiếp tục nấu pin lấy chì.

Không thể đánh giá đầy đủ hiểm họa do ô nhiễm chì gây nên nếu chỉ dựa vào số người chết hay tổng số người nhập viện. Bởi vì nhiễm độc chì còn khiến trẻ em không phát triển được đầy đủ khả năng khi trưởng thành.

Đi tìm giải pháp bền vững

Các chính phủ và các tổ chức trên khắp thế giới cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xóa bỏ hiểm họa do nhiễm độc chì gây nên cho người dân, đó là quan điểm của các chuyên gia IAEA và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo đó, các nhà máy, các mỏ cần được giám sát và quản lý chặt chẽ, đồng thời có kế hoạch khắc phục hợp lý các địa điểm đã bị nhiễm độc, cũng như phải có một chương trình giáo dục hiệu quả.

Theo Viện Blacksmith, cộng đồng quốc tế cần chung tay trong việc giúp xác định tất cả các khu vực ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe con người và cung cấp các nguồn viện trợ để giải quyết ô nhiễm ở những địa điểm này. Bởi vì không giống những chất gây ô nhiễm khác, chì không bao giờ tự biến mất. Nếu chì ở trong máu thì phải điều trị để đưa ra ngoài cơ thể, nếu chì ở trong đất, đất phải được đào lên và chôn ở nơi an toàn hoặc phải đổ bê tông toàn bộ khu vực ô nhiễm. Tuy nhiên những biện pháp cơ bản và thiết thực như vậy thường vượt quá khả năng tài chính của người nghèo.

T.S Labor và nhóm của ông đã tìm hiểu những tác động của chì cùng những kim loại nặng khác tới môi trường hơn chục năm nay. IAEA cung cấp thiết bị kiểm tra chì và các kim loại nặng khác trong môi trường và cơ thể con người bằng cách sử dụng các kỹ thuật phân tích phóng xạ neutron (NAA), phương pháp cực phổ volt ampere hòa tan (ASV) và huỳnh quang tia X phản xạ tổng thể (TXRF). Các biện pháp phân tích được dùng để xác định thành phần kim loại nặng trong đất, thức ăn, nước, mô cơ thể và máu.

Ở Jamaica, ICENS đã tập trung khắc phục các địa điểm bị ô nhiễm trong năm năm vừa qua. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng đây là một nhiệm vụ gian nan cần phải có sự chung sức của cả chính quyền. Trong khi đó, ông Blossom Anglin-Brown, hiệu trưởng Đại học Trung tâm Y tế Tây Ấn, lại cho rằng các chính trị gia lại không muốn động chạm đến điều này chỉ vì bố trí cho người dân tới nơi ở mới là cả một vấn đề.

Viện Blacksmith đang hoạt động ở bảy quốc gia nhằm làm giảm ô nhiễm thông qua giáo dục truyền thông và khắc phục đất ô nhiễm. Dự án cũng phát triển những chính sách quản lý pin đã qua sử dụng và tạo sinh kế cho những người tái chế pin không đúng qui cách.

Tuy nhiên, dù viện trợ quốc tế tăng lên, những hậu quả do ô nhiễm kim loại nặng gây ra sẽ vẫn còn, nếu nghèo đói và thất nghiệp chưa được giải quyết ở những nước đang phát triển.