Tác động nghiêm trọng của sóng nhiệt đối với trẻ em

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, đến năm 2050, nắng nóng cực đoan do khủng hoảng khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em trên toàn thế giới. Các đợt nắng nóng ngày càng trở nên thường xuyên, không có dấu hiệu giảm và tần suất được dự báo còn tăng trong những năm tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

UNICEF chỉ ra, trẻ em dễ bị tổn thưởng bởi tác động của các đợt nắng nóng cao điểm, do thân nhiệt tăng cao và nhanh hơn đáng kể so với người trưởng thành, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hay sốc nhiệt cao hơn. Đồng thời, các đợt nắng nóng cực đoan cũng ảnh hưởng đến quá trình giáo dục, làm giảm khả năng tập trung và học tập của trẻ em.

Các báo cáo mới đây của UNICEF phân tích dữ liệu từ 50 quốc gia ghi nhận, khoảng một nửa số trẻ em ở châu Âu và Trung Á, tương đương 92 triệu trẻ bị ảnh hưởng bởi tần suất các đợt sóng nhiệt cao. Tỷ lệ này cao gấp hai lần mức trung bình toàn cầu – cứ bốn trẻ em thì có một trẻ đối mặt với tần suất sóng nhiệt cao.

Ở khu vực Nam Á, theo UNICEF ước tính, khoảng 76% số trẻ em dưới 18 tuổi, tương đương 460 triệu trẻ, phải sống trong môi trường có mức nhiệt độ cực cao, với ít nhất 83 ngày trong năm nóng hơn 35°C.

Cứ bốn trẻ em ở Nam Á thì có ba trẻ (tỷ lệ 75%) phải tiếp xúc với mức nhiệt độ cực cao, so với tỷ lệ chỉ 32% trên toàn cầu. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra, có đến 28% số trẻ em trên khắp Nam Á phải hứng chịu trung bình 4,5 đợt nắng nóng trở lên mỗi năm, so với mức 24% trên toàn cầu.

Theo Chỉ số Rủi ro khí hậu cho trẻ em (CCRI) năm 2021 của UNICEF, trẻ em ở Afghanistan, Bangladesh, Ấn Độ, Maldives và Pakistan thuộc nhóm “nguy cơ cực kỳ cao” trước những tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Ngay cả trong mùa mưa, nắng nóng vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Trẻ em không thể thích ứng nhanh với sự thay đổi nhiệt độ môi trường. Khi không thể đẩy nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể, trẻ em có thể có các triệu chứng như: Nhịp tim nhanh, chuột rút, nhức đầu, suy nội tạng, mất nước, ngất xỉu và hôn mê ở trẻ nhỏ, cũng như gặp phải những trở ngại trong quá trình phát triển do rối loạn chức năng thần kinh và các bệnh tim mạch, hay phát triển trí tuệ kém ở trẻ sơ sinh.

UNICEF khuyến nghị một số biện pháp cho các chính phủ, gồm đưa các phương án thích nghi và giảm tác động của nắng nóng vào các cam kết khí hậu, từ đó giảm nguy cơ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, xây dựng các chính sách ứng phó thiên tai, đồng thời đặt trẻ em là trung tâm trong tất cả kế hoạch.

Theo UNICEF, các chính phủ cần đầu tư thêm cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để giúp phòng ngừa, hành động sớm, chẩn đoán và điều trị các bệnh do ảnh hưởng của các đợt sóng nhiệt ở trẻ em, như thúc đẩy đào tạo thêm đội ngũ nhân viên y tế cộng đồng; đầu tư cho các hệ thống quốc gia cảnh báo sớm về khí hậu, tiến hành đánh giá môi trường địa phương, tăng cường khả năng sẵn sàng cho tình trạng khẩn cấp và kêu gọi các sáng kiến mới tăng khả năng thích ứng.

UNICEF kêu gọi các nhân viên tuyến đầu, cha mẹ, gia đình, người chăm sóc và chính quyền địa phương bảo vệ trẻ em bằng cách tăng cường nhận thức về thực hiện các biện pháp phòng ngừa và nhận biết tình trạng sốc nhiệt, xác định các triệu chứng, cũng như tìm hiểu để có thể sơ cứu trẻ đúng cách khi cần.

Trẻ em và cả thanh niên, thiếu niên là những nhóm dễ bị tổn thương nhất và là những người phải hứng chịu tác động nghiêm trọng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á Sanjay Wijesekera nhấn mạnh: Trẻ nhỏ đơn giản là không thể chịu được cái nóng, do đó thế giới cần hành động ngay để bảo vệ trẻ em.