Nhà báo với đề tài buôn bán động vật hoang dã

ThienNhien.Net – <i>Báo chí chưa quyết liệt chống Buôn bán động vật hoang dã (BBĐVHD) </i>- Đó là nhận định chung của nhiều nhà báo môi trường khi tham dự chương trình tập huấn truyền thông về BBĐVHD do Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức tại Bình Dương ngày 24/11/2009 vừa qua.

Khó – không chỉ trong tác nghiệp 

Thu về lợi nhuận sánh ngang với buôn bán ma tuý, vũ khí, nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) diễn ra rộng khắp, tinh vi và ngày càng mang tính tổ chức lâu nay đã gây áp lực lớn đến công tác bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên cũng như việc quản lý của các nhà chức trách. Tuy nhiên, sự tham gia của báo chí vào lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên Nhiên về tình trạng vi phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ ĐVHD quý hiếm trái phép được thực hiện từ tháng 10/2008 đến tháng 9/2009 trên 9 tờ nhật báo và báo điện tử lớn cho thấy báo chí mới phản ánh khoảng 10% số vụ vi phạm mà Cục Kiểm lâm thống kê được. Trong khi đó, con số thống kê của Cục (thông qua kiểm tra, bắt giữ) được đánh giá cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với thực tế, có ý kiến nhận định rằng tỉ lệ chỉ khoảng 1/5. Nếu kết nối hai con số ước tính này, có thể suy ra rằng báo chí mới chỉ phản ánh được khoảng 2% tình trạng thực tế về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ĐVHD.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, đa số thông tin về BBĐVHD được chuyển tải dưới dạng tin tức phản ánh các vụ việc nhỏ lẻ, ít có các phóng sự điều tra sâu hay loạt tin, bài dài kỳ theo sát vấn đề.

Lý giải về “sự ít ỏi’ này, các nhà báo chia sẻ rằng họ gặp nhiều khó khăn, cả trong quá trình tác nghiệp lẫn thuyết phục ban biên tập để bài báo qua được khâu kiểm duyệt. Một nhà báo là thành viên nhóm điều tra vụ buôn bán trái phép khỉ đuôi dài xuyên quốc gia (được phản ánh trên báo Tiền Phong cuối tháng 10/2008) chia sẻ: “Nhìn lại bài học từ chuyến điều tra, tôi nhận thấy khó khăn không chỉ là sự vất vả, mà ở chỗ phải kiên trì đấu tranh với các thế lực và cả sự cám dỗ… Và ngay cả khi bài đã hoàn thành, không có nghĩa nó sẽ được lên mặt báo”.

Sự thiếu quan tâm của ban biên tập các tờ báo đối với cuộc chiến chống tội phạm về BBĐVHD cũng được đánh giá là một lực cản. Nhiều nhà báo công nhận rằng họ đôi khi đã phải đấu tranh gay gắt ngay trên chính “sân nhà”. Bài viết của họ đôi khi bị gạt sang một bên, chỉ vì không phải là đề tài được ưu tiên.

Báo cáo của Mạng lưới Giám sát Buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) cho biết gần 50% người dân Hà Nội được hỏi trong cuộc điều tra trả lời rằng họ có tiêu thụ ĐVHD; những người có thu nhập cao, học vấn cao có xu hướng tiêu thụ ĐVHD nhiều hơn; phần lớn không hiểu những tác động lên môi trường từ hành vi sử dụng ĐVHD của họ và không nắm bắt được các thông tin pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

Một trong những khó khăn vô hình mà các nhà báo nêu ra, đó là vấn đề nhận thức, trong cộng đồng, trong các cấp quản lý địa phương, và thậm chí cả một bộ phận những người làm công tác bảo tồn. Việc tồn tại nhan nhản các quán đặc sản thú rừng trên các quốc lộ, biển quảng cáo mật gấu trong các đô thị lớn, đồ lưu niệm từ động vật hoang dã tại các khu du lịch hay bẫy săn thú được bày bán công khai ven các khu bảo tồn, vườn quốc gia, song không hề bị tịch thu, xử phạt… là những minh chứng có thể thấy rõ.

Không giống như vấn nạn ma tuý, mại dâm, vốn bị xã hội lên án với một thái độ rõ ràng, việc tiêu thụ động vật hoang dã, các món đặc sản, vị thuốc, đồ lưu niệm chế từ động vật hoang dã được nhiều người coi là “chuyện bình thường”. Việc đề cập, mổ xẻ và đưa một vấn đề mà họ coi là “bình thường” lên trang báo, sao cho thu hút sự chú ý và tác động trở lại nhận thức của bộ phận không nhỏ này không hề dễ dàng.

Cần được hỗ trợ thông tin

Chủ đề buôn bán ĐVHD đối với nhiều nhà báo còn khá mới mẻ, tuy nhiên, ngay cả với các nhà báo đã từng tham gia một số vụ điều tra về BBĐVHD, việc thiếu nguồn tin hỗ trợ cũng là khó khăn thường trực.

Nhà báo T.T., báo VietNamNet, cho biết: “Tôi cũng như nhiều nhà báo khác, thu thập thông tin về nạn BBĐVHD chủ yếu từ các hội thảo, hội nghị chuyên đề hoặc là thông qua các báo cáo khoa học, còn thông tin từ có được từ các cơ quan chức năng tham gia điều tra, khảo sát thực tế là rất ít”.

Một số nhà báo chia sẻ, việc tiếp cận và lấy ý kiến với các cơ quan chức trách càng khó khăn khi đề cập đến việc xử lý tang vật tịch thu ĐVHD trái phép, bởi trong nhiều trường hợp, các nhà chức trách cũng rất lúng túng, né tránh. Sự trì trệ trong việc xử lý gấu ở trại nuôi của công ty TNHH Việt Thái, Quảng Ninh gần đây đựơc phản ánh trên một số tờ báo là một minh chứng.

Nhà báo D.T.T, báo Thanh Tra nhận xét “Kinh nghiệm điều tra nạn BBĐVHD của tôi cho thấy sự hợp tác giữa cơ quan báo chí và nhà chức năng phải trên cơ sở sự tin tưởng nhau. Nếu không có lòng tin đó, chúng ta sẽ không thể phối hợp tốt để giải quyết vấn đề”.

Các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, các trại cứu hộ cũng góp một phần không nhỏ trong việc ngăn chặn nạn BBĐVHD, tuy nhiên, sự kết nối thông tin giữa các hoạt động của họ đối với báo chí hiện cũng bị đánh giá còn rất hạn chế.

Hội thảo cũng đã đề cập vấn đề này và cho rằng trong thời gian tới, thắt chặt liên kết báo chí với các tổ chức bảo tồn được coi là một hoạt động quan trọng để thúc đẩy hơn nữa việc điều tra và phản ánh thông tin về thực trạng BBĐVHD.