Cơ chế mới về giảm nhẹ BĐKH gây tranh cãi

ThienNhien.Net – Tại cuộc họp bàn về phương thức tiếp cận cho những hoạt động thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu (BĐKH) chuẩn bị cho Hội nghị Copenhagen sắp tới vừa diễn ra tại Băng-cốc , các nước phát triển đã đề xuất các cơ chế mới để nâng cao hiệu quả chi phí và thúc đẩy các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ. Tuy nhiên, các đề xuất này không được các quốc gia đang phát triển ủng hộ.


Sở dĩ các cơ chế mới này dấy lên làn sóng lo ngại từ khối quốc gia đang phát triển bởi các nước này cho rằng quan điểm của họ đã không được ghi nhận.

Trong phiên EU đề xuất cơ chế thương mại mới về việc cấp chứng chỉ phát thải theo khu vực. Ý tưởng của EU là các nước đang phát triển sẽ cắt giảm lượng khí thải tới một mức quy định và nếu mức cắt giảm vượt trên chỉ tiêu, các nước này sẽ được cấp chứng chỉ.

Các quy định trong nước nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải sẽ do các nước đang phát triển đưa ra nhằm đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong phương thức cắt giảm. Nếu các nước đang phát triển không đạt được mức cắt giảm khí thải quy định, họ không phải nhận hình thức phạt nào song sẽ không có chứng chỉ cắt giảm khí thải cho họ.

EU cũng đề xuất về thương mại khu vực, theo đó nếu lượng phát thải khí ở các nước đang phát triển vượt trên mức quy định, các quốc gia này sẽ phải mua thêm chứng chỉ phát thải, nhưng nếu lượng phát thải dưới mức đó, họ có thể bán chúng. 

Theo đó, các bên cần xem xét việc thiết lập các cơ chế mới này, bao gồm xác định các nguyên tắc và mục đích của chúng, đồng thời giải quyết các vấn đề về lợi ích, môi trường và cách thức để tránh tính toán chồng chéo với các cơ chế khác… Ngoài ra, cũng cần xem xét thiết lập mức giảm phát thải quy định cho các khu vực, cũng như quy trình và phương thức hoạt động của các cơ chế này.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại đề xuất cấp chứng chỉ Hành động Giảm nhẹ BĐKH Quốc gia (NAMA). Ý tưởng cấp chứng chỉ NAMA xuất phát từ Kế hoạch Hành động Bali và có thể xây dựng dựa trên Cơ chế Phát triển Sạch (CDM).

Theo Hàn Quốc, CDM có hạn chế trong việc triển khai trên diện rộng vì địa điểm của các dự án phụ thuộc vào các nhà đầu tư từ các nước phát triển. Chứng chỉ NAMA sẽ khắc phục được điều này vì các nước đang phát triển có thể tự lập ra các dự án để tạo chứng chỉ và vì vậy có thể nâng cao chức năng của CDM. Việc cấp chứng chỉ NAMA có thể tạo điều kiện cho dòng chảy tiền tệ và công nghệ về các nước đang phát triển khi họ có thể lựa chọn dự án.

Dựa trên đề xuất của Hàn Quốc và EU, New Zealand cũng đề xuất tạo ra một cơ chế tích hợp duy nhất đối với cả hai mảng hoạt động – tạo chứng chỉ NAMA và trao đổi chứng chỉ này. Theo quốc gia này, sự tham gia sẽ là tự nguyện ở cả hai mảng trên và cơ chế này sẽ hoạt động song song với CDM, tuy nhiên vẫn cần giải quyết việc tính toán chồng chéo.

Theo họ, mục đích trên hết là tạo ra được những phương pháp hiệu quả và hữu hiệu nhằm mang công nghệ và tài chính đến với các nước đang phát triển. Nếu được xây dựng tốt, các cơ chế thị trường có thể là một công cụ hữu hiệu để thực hiện điều này và nó không chỉ là công cụ duy nhất mà còn là một công cụ tối cần thiết.
Quốc gia này cũng giải thích rằng cần phải cung cấp cơ hội tiếp cận với thị trường cácbon toàn cầu cho các nước đang phát triển, vì hiện nay CDM là cánh cổng duy nhất cho họ.

Austrailia rất quan tâm tới các đề xuất của Hàn Quốc, EU và New Zealand, nhưng cũng cho rằng chi phí giao dịch nên được hạ thấp và các nước đang phát triển cần được hỗ trợ để tham gia nhiều hơn vào thị trường.

Mỹ bày tỏ quan điểm ủng hộ việc kết hợp các cơ chế phân khu vực trên mặc dù vẫn chưa quyết định cơ chế nào phù hợp hơn, đồng thời cho biết họ rất quan tâm đến khía cạnh minh bạch hóa các cơ chế mới trên khía cạnh thể chế và qui trình cấp chứng chỉ, các yêu cầu quản lý, báo cáo và thẩm tra, các phương thức để tránh tính toán chồng chéo, đền bù, xây dựng năng lực, v.v.

Argentina cho rằng việc hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, kể cả thông qua CDM hiện nay là quá thấp và cần phải nâng cao đầu tư để đáp ứng chi phí ngày càng tăng của các dự án thích ứng giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Quốc gia này cũng lưu ý rằng ở CDM hiện tồn tại sự chênh lệch về phân bổ công nghệ và điều này cần được giải quyết trong cơ chế mới để thể tạo ra sự phát triển bền vững, cần có một phương thức mới thay thế CDM.

Các nước Nam Mỹ cùng khẳng định rằng bất cứ cơ chế mới nào cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện và mong muốn của các nước đang phát triển, không nên đơn thuần chỉ là sự đền bù. Và nếu khu vực tư nhân có thể tạo ra dòng chảy tài chính thông qua thị trường, cần có một giá cácbon phù hợp và điều này chỉ có thể xảy ra khi các mục tiêu đầy tham vọng được ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia phát triển.

Trung Quốc không ủng hộ các đề xuất trên và bày tỏ lo ngại cho rằng các quốc gia phát triển đang cố tình áp đặt để các nước đang phát triển theo mục tiêu đầy tham vọng của họ. Trung Quốc cũng nhận định rằng việc thảo luận về nghĩa vụ của các quốc gia phát triển là rất quan trọng. Các quốc gia phát triển phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài chính và chuyển giao công nghệ của mình cho các nước đang phát triển.

Grenada cũng có cùng mối quan ngại như Trung Quốc và khẳng định rằng tất cả những đề xuất trên đều có vấn đề. Quốc gia này lo ngại về các hoạt động thích ứng giảm nhẹ BĐKH khi không có một sự đảm bảo đền bù nào cho các nước đang phát triển.

Với một thái độ thận trọng, Nhật Bản nói rằng cần có thêm thời gian để xem xét lại các quan điểm về cơ chế mới và tìm hiểu thêm các lý giải cụ thể từ các bên đề xuất.