Quản lý tài nguyên nước bằng công nghệ viễn thám

ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Viễn thám Quốc gia, để đẩy mạnh công tác giám sát tài nguyên nước bằng công nghệ viễn thám, Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước trong ứng dụng công nghệ Viễn thám, nhất là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Dự án "Vận hành Trạm thu ảnh vệ tinh phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường".


Đây là dự án mà Trung tâm Viễn thám Quốc gia đã xây dựng để duy trì việc mua tín hiệu ảnh từ các vệ tinh SPOT4, SPOT5, ENVISAT ASAR, và ENVISAT MERIS, tăng cường khả năng chủ động thu nhận thông tin ảnh phân giải cao SPOT 5 phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước.

Đối với việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong đánh giá tài nguyên nước, Trạm thu ảnh vệ tinh (thuộc Trung tâm Viễn thám Quốc gia) hiện đã thu nhận được khối lượng lớn ảnh SPOT2 và SPOT4 trong khu vực thu nhận của Trạm thu.

Đây là tư liệu ảnh có độ phân giải không gian 10m, đảm bảo cung cấp thông tin cho các loại bản đồ chuyên đề ở tỷ lệ 1: 50 000 và nhỏ hơn. Như vậy, với loại dữ liệu ảnh SPOT2 và SPOT4, tài nguyên nước mặt lưu trữ trên các sông, suối, hồ (lớp thủy hệ) có diện tích lớn hơn 1000m2 sẽ được phát hiện và số hóa chính xác trên bản đồ.

Trạm thu ảnh vệ tinh còn thu nhận ảnh radar ENVISAT ASAR. Mặc dù độ phân giải của ảnh ASAR là không cao (30m cho ảnh chụp ở chế độ chụp ảnh và 150m cho ảnh chụp ở chế độ quét) nhưng ảnh này có một ưu điểm nổi trội so với ảnh quang học là việc chụp ảnh không phụ thuộc vào điều kiện của thời tiết.

Như vậy, sự biến động của tài nguyên nước trong mùa mưa và mùa khô có thể được xác định bằng loại ảnh này nhất là với các khu vực ngập lụt thường xuyên với diện tích rộng như hạ nguồn sông Mekong.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực giải đoán ứng dụng ảnh vệ tinh phục vụ quản lý tài nguyên nước của Trung tâm Viễn thám Quốc gia và Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng như các đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đầu tư các đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám để giám sát tài nguyên nước như ứng dụng dữ liệu ảnh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xác định trữ lượng nước tại các hồ chứa; Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để giám sát mực nước tại một số hồ thủy điện; Ứng dụng công nghệ viễn thám siêu phổ để xác định các chất diệp lục, chất lơ lửng trong nước hồ…