Tạo lập sinh kế trong hoạt động bảo tồn ở Xuân Thủy

ThienNhien.Net – Với quan điểm chia sẻ lợi ích với người dân vùng đệm để cùng nhau thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường, từ năm 2007, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) đã triển khai tạo lập nhiều sinh kế cho cộng đồng địa phương. Theo đó, Ban quản lý dự án đã cân nhắc lựa chọn các sinh kế thân thiện với môi trường, đạt hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững để trợ giúp cho cộng đồng địa phương.


Ngay từ năm đầu tiên, khi thực hiện dự án giải tỏa đàn gia súc chăn thả trong vùng lõi, Ban quản lý đã thấy rõ yêu cầu cấp thiết về một sinh kế thay thế. Từ công nghệ sản xuất nấm và bài học kinh nghiệm, dự án đã thử nghiệm mô hình trồng nấm cho các hộ chăn thả gia súc. Những mô hình ban đầu đều được dự án tài trợ từ thu gom rơm rạ, xây dựng lán trại, tập huấn kỹ năng, chuyển giao giống nấm, vận hành mô hình cho đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, người trồng nấm đã thu được sản phẩm có giá trị, mang lại hiệu quả cao so với sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc truyền thống.

Sau pha đầu thành công, dự án đã mạnh dạn đề xuất mở rộng mô hình ra địa bàn của 3 xã có các hộ dân tham gia khai thác tài nguyên ở vùng lõi. Gần 70 hộ tiếp nhận dự án với sự trợ giúp về giống nấm và đào tạo kỹ thuật. Một số được hỗ trợ xây dựng lán trại. Các mô hình nuôi trồng nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò và linh chi được chuyển giao đến từng hội viên. Quy mô trồng nấm đã đạt đến nhu cầu phải hình thành tổ hợp để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cuối năm 2008, câu lạc bộ trồng nấm đã tổ chức đại hội để bầu ra ban chủ nhiệm, tổ kỹ thuật và tổ trưởng các tổ sản xuất tại địa bàn các xã tham gia dự án. Sau gần 7 tháng đi vào hoạt động, các chỉ số về năng suất, sản lượng và giá trị đều tăng trưởng rõ rệt. Có những hộ đã đạt thu nhập khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Qua đó, có thể thấy, trồng nấm vừa tạo ra sinh kế thay thế bền vững còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau mùa gặt ở vùng đệm.

Với sự trợ giúp của Vườn quốc gia Xuân Thủy, Câu lạc bộ trồng nấm đã và đang triển khai các bước xây dựng thương hiệu để dần khẳng định vị thế trên thương trường. Thành viên câu lạc bộ đồng thời cũng là những tuyên truyền viên tích cực cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường ở khu vực.

Bên cạnh đó, dự án cũng tiếp thu mô hình nuôi ong của Hội cựu chiến binh cụm Ba Lạt, trong tình trạng nhỏ lẻ manh mún kém hiệu quả. Dự án đã củng cố lại tổ chức, tập huấn thêm kỹ năng chung, đặc biệt là kỹ năng nhân đàn, trang bị thêm các phương tiện thiết yếu, vận động bổ sung các tổ ong và kết nạp hội viên mới. Từ trên 20 tổ, đến nay câu lạc bộ nuôi ong đã có trên 70 tổ. Sản lượng mật đạt khá, có những hộ gia đình đạt gần 200 kg mật, thu nhập lên tới 15 triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi ong mật.

Cùng với việc duy trì phát triển nghề nuôi ong, dự án còn xúc tiến thêm một loạt các sinh kế bổ trợ khác như: “Phân loại, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, nuôi giun quế và tạo lập mô hình VAC thích hợp cho kinh tế hộ gia đình ở khu vực”. Hay mô hình du lịch cộng đồng do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) triển khai ở khu vực xã Giao Xuân cũng là một sinh kế thay thế hiệu quả.

Người dân địa phương sau khi được trang bị các kỹ năng cơ bản, được hỗ trợ cải tạo nhà cửa để đón khách du lịch đến nghỉ ở nhà mình (Homestay) đã dần làm chủ mô hình và tạo ra thu nhập thay thế tích cực. Sau hơn hai năm thực hiện đã có trên 600 khách sử dụng dịch vụ du lịch cộng đồng trong đó có trên 100 khách quốc tế. Nhiều hộ và các thành viên tham gia Ban du lịch cộng đồng đã có thêm nguồn thu từ mô hình này. Mô hình được thực thi thành công đã hứa hẹn là một hướng đi đúng và sẽ đạt được hiệu quả thiết thực trong tương lai.

Tại vùng triều của dự án đã triển khai các hoạt động thể nghiệm khác liên quan đền tập quán nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản. Một nhóm cộng đồng được lựa chọn để thực hiện đề tài: “Cộng đồng nghiên cứu nhuyễn thể” nhằm đúc kết kinh nghiệm thực tiễn quý báu, hỗ trợ cho nghề nuôi trồng và khai thác nhuyễn thể của khu vực phát triển bền vững. Phòng thủy sản của VQG cũng đã tham gia thực hiện quy hoạch nghề nuôi ngao bền vững ở vùng triều theo hướng khoa học và khả thi. Ngoài ra, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tiến hành nghiên cứu thể nghiệm quản lý nghề khai thác nguồn lợi thủy sản tự do ở vùng triều.

Có thể thấy, đã có rất nhiều hoạt động của dự án nhằm tăng cường năng lực cho Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy và các đối tác ở địa phương thực hiện sự nghiệp quản lý – bảo tồn bền vững tài nguyên môi trường ở vùng lõi. Đặc biệt là việc tập trung xây dựng các sinh kế thay thế thích hợp cho cộng đồng dân vùng đệm với những thành tựu đáng khích lệ như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững Khu Ramsar quốc tế Xuân Thủy, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan. Với sự trợ giúp đắc lực và hiệu quả của các Tổ chức Chính phủ, cộng đồng quốc tế cùng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hy vọng sẽ đạt mục tiêu đề ra. Từng bước phấn đấu xây dựng Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm trình diễn về kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, đồng thời là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế trong tương lai.