WIPO thúc đẩy chuyển giao công nghệ

ThienNhien.Net – Phát triển là ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), điều đó được thể hiện một phần ở Chương trình Nghị sự Phát triển 2007 đang được triển khai. Song đến nay, một chương trình sở hữu trí tuệ thúc đẩy phát triển trên thực tế lại chưa được định hình rõ ràng. Trung tuần tháng 10/2009, các bên liên quan của WIPO đã họp bàn thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho các nước đang phát triển.


Phiên họp tập trung vào việc chuyển giao công nghệ và áp dụng quyền sở hữu trí tuệ (IP) nhằm trợ giúp các nhà sản xuất quy mô nhỏ tại các nước đang phát triển.

Nhiều diễn giả cho rằng WIPO đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ, đảm bảo cho các nước đang phát triển bảo vệ được giá trị công nghệ của chính họ trong quá trình phát triển, đồng thời cho thấy chuyển giao công nghệ không chỉ tập trung vào việc bảo vệ quyền IP nước ngoài.

Ông Dennis Patrick O’Reilly, một luật gia tại Washington đã phát biểu rằng trong chuyển giao công nghệ đừng nên quá chú trọng vào các chủ thể có bằng sáng chế bởi theo ông chỉ có một tỷ lệ rất thấp các bằng sáng chế có giá trị trên thị trường.

Theo ông, WIPO có thể có thể đóng vai trò trung gian bằng cách cung cấp thông tin về chủ thể sở hữu công nghệ bởi vì tuy bằng sáng chế cũng cung cấp thông tin, nhưng thông tin này hầu như không giá trị.  

Công nghệ có giá trị hơn bằng sáng chế – đó chính là điểm cốt lõi của cơ chế IP, ông Mohammed Gad đến từ Ai Cập nhận xét. Theo đó, bằng sáng chế chỉ là một hình thức thỏa thuận cổ điển, thiết yếu, mà qua đó quyền độc quyền được công nhận, và đổi lại dòng chuyển giao công nghệ được diễn ra.

Điều này chỉ ra rằng bất kỳ dự án nào do WIPO xúc tiến cũng nên tập trung vào “phần thứ hai của thỏa thuận”, nghĩa là các nước đang phát triển có thể cung cấp một sự bảo hộ hiệu quả, nhưng bù lại công nghệ phải được chuyển giao.

O’Reilly cho biết các chủ thể tư nhân được khuyến khích chuyển giao công nghệ, song với các công nghệ có giá trị, được xem như một phần của lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, thì có hai nguy cơ mà họ phải đối mặt.

Đó là nguy cơ giá trị thông tin bị triệt tiêu do bị tiết lộ và việc chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra một đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, lợi ích thu được về kinh tế và quan hệ đối tác là lớn hơn so với những rủi ro này, O’Reilly cho biết thêm.

Một số diễn giả cho biết việc chuyển giao nhãn hiệu và thương hiệu cũng có thể hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. Bởi thương hiệu giúp cho nhà sản xuất kết nối với khách hàng. Và thương mại công bằng cho thấy ngoài các tiêu chuẩn môi trường và lao động, chất lượng chính là yếu tố giúp nâng cao danh tiếng của một thương hiệu.

Theo Bernard Denis, phó chủ tịch Tập đoàn Chuyển giao Tri thức và Công nghệ thuộc Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu, cơ chế IP có thể có tác dụng với những cải tiến rộng rãi, bởi vì bằng sáng chế không phải là một cản trở đối với khoa học mở. Bằng sáng chế có thể có giá trị về mặt công nghệ và nghiên cứu, đồng thời cũng có thể có giá trị thương mại ngoài nghiên cứu.