Chống biến đổi khí hậu cần bám rễ từ chính cuộc sống

ThienNhien.Net – Nhằm giúp nâng cao nhận thức người dân về biến đổi khí hậu (BĐKH) và gợi mở các ý tưởng nhằm hạn chế tác động của BĐKH, Nhóm hợp tác phát triển (CDG) đã phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ các chương trình phát triển xã hội (CSDP) và một số đơn vị tổ chức Hội thảo “CDG – Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” vào sáng nay 15/10/2009 tại Khách sạn La Thành, Hà Nội.


Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các đơn vị, Tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu về môi trường, nông nghiệp – nông thôn, phát triển bền vững… Các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề góc cạnh về BĐKH, đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng thiết thực nhằm hạn chế tác động của BĐKH đối với môi trường và cuộc sống của người dân.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, đất và vùng lãnh thổ sẽ bị mất 12%, tức khoảng 23% dân số sẽ vô gia cư, tương đương 17 triệu người. Trong đó, cộng đồng dân cư nông thôn, người nghèo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH.

Những vùng, khu vực được dự tính chịu nhiều tác động của các hiện tượng BĐKH là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm hạn chế một phần tác động của BĐKH đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, tổ chức SRD đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH như: xây dựng kênh mương điều tiết nước ruộng ở Phú Thọ, Yên Bái; tập huấn quản lý, sử dụng và cải tạo đất tại Huế; phát triển hệ thống thâm canh lúa tại Thái Nguyên; bảo tồn giống lúa địa phương tại Bắc Kạn…

Trong tất cả các lĩnh vực chịu tác động từ BĐKH thì nông nghiệp nông thôn là ngành giành được sự quan tâm lớn hơn cả. Bởi đây là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất của BĐKH. Báo cáo “Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn” của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã minh chứng rất rõ điều này. Theo đó, BĐKH sẽ làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và xuất hiện gia tăng các loại “thiên địch”, môi trường sống của các loài thủy hải sản ngày càng suy giảm và thu hẹp dần diện tích rừng ngập mặn ven biển…

Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra nhiều chương trình, dự án nhằm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, trong đó, chú trọng đến việc xây dựng các mô hình lồng ghép BĐKH thí điểm. Tuy nhiên, hầu hết các dự án mới đang trong giai đoạn đầu nên vẫn chưa có những kết luận chính xác.

Bên cạnh việc thảo luận các báo cáo, Hội thảo còn được lắng nghe nhiều ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, các Tổ chức phi chính phủ trong việc thực hiện các dự án, nhằm hạn chế và đối phó với BĐKH.

Có đại biểu cho rằng, thay bằng việc chúng ta cứ mải mê tìm kiếm những giải pháp mới cho hiện tượng BĐKH thì cần giải quyết những vấn đề thực tiễn và trước mắt, thậm chí, có thể tìm một mô hình hoàn toàn mới để ứng phó với BĐKH. Trong đó, cần có sự kết hợp của tất cả các tổ chức, ban ngành, đặc biệt là phải đẩy mạnh khâu truyền thông để mọi người dân, cả kể là người nông dân nghèo cũng biến đến hiện tượng này.