Trung Quốc – Nơi BBĐVHD trái phép lớn nhất thế giới

ThienNhien.Net – Buôn bán động vật hoang dã (BBĐVHD) trái phép hiện được coi là ngành công nghiệp phạm pháp lớn thứ ba trên thế giới, sau buôn bán ma túy và mại dâm, với doanh thu lên tới 20 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc và Brazil là hai quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Tội phạm về ĐVHD ngày càng sử dụng các biện pháp tinh vi, có tổ chức sử dụng công nghệ cao nên gây nhiều khó khăn cho việc theo dõi cũng như truy quét tội phạm của lực lượng cảnh sát, trong khi đó, các nguồn lực để ngăn chặn hoạt động trái phép này hết sức hạn chế.

Các vấn đề về vận chuyển BBĐVHD quốc tế

Bọn tội phạm lợi dụng cả lĩnh vực buôn bán động vật hợp pháp nên việc xác định quy mô của BBĐVHD trái phép rất phức tạp. Theo Laurel Neme, tác giả cuốn Những nhà điều tra động vật, hàng năm có tới 25.000 cá thể linh trưởng, từ 2 đến 3 triệu cá thể chim, 10 triệu cá thể bò sát và hơn 500 triệu con cá vùng nhiệt đới được buôn bán hợp pháp. Số lượng các loài này bị buôn bán trái phép có thể còn cao hơn.

Chỉ tính riêng khu rừng nhiệt đới Amazon, mỗi năm đã có tới 38 triệu động vật bị săn bắn trộm, ước mang đến nguồn thu từ 1 đến 2 triệu USD cho bọn buôn lậu. Đặc biệt, những loài quý hiếm và các loài có nguy cơ tuyệt chủng thường bị chú ý săn tìm bởi chúng có giá cao hơn ở chợ đen. Chẳng hạn như sừng tê giác còn có giá trị hơn cả kim cương, được bán với giá 50.000 USD/một kg.

Phạm vi và độ phức tạp của việc vận chuyển BBĐVHD trái phép đang là mối quan tâm đối với các nhà quản lý. BBĐVHD không có giới hạn, nó diễn ra ở mọi nước khác nhau trên thế giới. Những kẻ buôn lậu cũng rất đa dạng, từ những kẻ xuất thân là tội phạm cho tới các tổ chức phi pháp, các tổ chức khủng bố. Hiện Trung Quốc và Brazil là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng các bộ phận của động vật và các loài ĐVHD bị buôn bán trái phép.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Laurel Neme đã bám sát các nỗ lực của Cơ quan quản lý về Động vật hoang dã và nghề cá Hoa Kỳ (FWS) để ngăn cấm những kẻ buôn lậu thông qua việc thành lập cơ quan hợp pháp đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới nghiên cứu về động vật (cơ quan này như một phòng thí nghiệm).

Một trong những vai trò chủ yếu của cơ quan này là xác định việc sản xuất, chế biến da, thuốc mỡ, đồ trang sức, hoặc các loại thuốc có nguồn gốc từ các hoạt động BBĐVHD phi pháp hay không. Công việc không hề đơn giản, rất khó để xác định các bộ phận của động vật đã được xử lý hoặc thậm chí cả những bộ phận chưa được xử lý. Ví như răng và da rất khó có thể xác định chúng thuộc loài động vật nào, chúng thuộc những loài khác nhau hay cùng thuộc một loài.

Gần 20 năm hoạt động, cơ quan này đã sáng tạo ra những phương pháp khoa học để giải quyết các vấn đề về nhận diện các bộ phận động vật trong các loại thuốc, thực phẩm, quần áo hay đồ mỹ thuật. Một dấu mốc gây sửng sốc mà Laurel Neme đã chỉ ra trong cuốn sách của mình là các nhà khoa học tại FWS đã nghiên cứu mật của loài gấu đen bị săn trộm để làm loại thuốc truyền thống của châu Á. Chúng được chế biến thành các dạng không thể nhận ra và được tiêu thụ, ví dụ như socola và wisky. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra sự kết hợp đặc biệt giữa ba loại axit  trong mật gấu được sử dụng dưới cả hình thức nguyên chất và qua xử lý.

Cơ quan nghiên cứu hợp pháp này cũng đề ra những hướng dẫn để buộc tội những kẻ buôn lậu một cách khoa học. Hơn 90% những kẻ buôn lậu đã bị buộc tội với những chứng cớ do cơ quan nghiên cứu đưa ra. Những thành công này phải được nhìn nhận trên thực tế trong khi các quan chức luật pháp ở Mỹ chỉ phát hiện ra khoảng 10% trong số các hoạt động BBĐVHD trái phép. Thêm vào đó, các hình phạt của loại tội phạm vẫn ở mức thấp và thời gian bị cầm tù ngắn. 

Những khó khăn trong việc ngăn chặn

Kevin Garlick của FWS tại Mỹ đã chỉ ra rất nhiều khó khăn mà các quan chức thi hành luật đang phải đối mặt trong việc điều tra các nguồn cung cấp của hoạt động buôn lậu. Lợi nhuận của ngành công nghiệp này rất cao; một bộ da rùa biển có thể bán được với giá 70 USD tại Mexico, và có thể được dùng làm bốt thời trang với giá bán 5.000 USD tại Mỹ. Siêu lợi nhuận khiến nó trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng. Tội phạm có tổ chức ngày càng gia tăng, chúng lập kế hoạch chi tiết và được hỗ trợ tài chính để hoạt động, các loại giấy phép giả rất tinh vi, và hàng hóa được quản lý trên quy mô quốc tế. Hơn nữa, internet đã trở thành phương tiện liên lạc dễ dàng và tiện ích giữa những kẻ cung cấp và khách hàng.

Ngược lại, các nhà chức trách lại thiếu nguồn nhân lực và nguồn tài chính. FWS có 115 điều tra viên và đội ngũ nhân viên ở 38 trong số 300 địa điểm tại biên giới Mỹ. Do vậy FWS không thể kiểm soát hết vùng biên giới. Trong khi đó, Cục điều tra liên bang (FBI) có 2.000 điều tra viên và Cơ quan phòng chống buôn bán ma túy của Hoa Kỳ cũng có tới 5.000 điều tra viên.

Để vượt qua những hạn chế về nguồn lực, FWS đã đề ra những ưu tiên tập trung vào những loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất và những loài cần được bảo vệ theo Luật và Công ước Quốc tế về Buôn bán các loài động vật quý hiếm. Các công nghệ mới như máy soi X quang cầm tay, khai báo hải quan tự động… cũng được huy động giúp các nhà điều tra làm việc hiệu quả hơn.

Trung Quốc – Nơi BBĐVHD trái phép lớn nhất thế giới

Khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành trên thế giới vì cả hai nguồn cung cấp và tiêu thụ hàng hóa chủ yếu là từ quốc gia này, trong đó bao gồm cả sản phẩm của các loài ĐVHD. Crawford Allen của WWF đã chỉ ra rằng ảnh hưởng từ việc sử dụng các sản phẩm được chế từ ĐVHD tại Trung Quốc ngày càng gia tăng đang dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về loại thuốc thường được chế biến từ các bộ phận của những loài động vật quý hiếm, như rượu cốt hổ. Nhu cầu đó làm gia tăng các vụ BBĐVHD trái phép, đặc biệt là hổ, voi, và rùa nước ngọt tại Trung Quốc.

Xu hướng này cũng ảnh hưởng mạnh tới các nước Đông Nam Á giáp Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng gần đây tập trung vào khu vực Đông Nam Á liên quan tới loài tê tê hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng bị săn bắn để lấy thịt, da (cung cấp da cho ngành thời trang) và vảy (dùng làm thành phần trong các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc). Giá thịt của loài tê tê cũng tăng mạnh từ đầu những năm 1990, từ 80 lên tới 1500 nhân dân tệ một kg. Theo Allen, hơn 100 tấn tê tê đã bị bắt năm ngoái tại châu Á chỉ là “một phần nhỏ trong cả tảng băng”.

Một xu hướng khác đang “nổi” lên tại châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc đó là sự đe dọa đối với loài hổ và gấu. Dù các sản phẩm từ loài hổ là bất hợp pháp ở Trung Quốc nhưng nhu cầu ngày càng gia tăng, gây thêm áp lực cho các quần thể hổ hoang dã.

Tại hội thảo được tổ chức vào ngày 20/05/2009, do Diễn đàn Môi trường Trung Quốc và Viện nghiên cứu Brazil đồng tài trợ, các chuyên gia đã thảo luận về bản chất của ngành công nghiệp BBĐVHD trái phép và những thách thức mà các nhà điều tra chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ đang phải đối mặt.Các nhà chính sách và giới bảo tồn, khoa học tin rằng hợp tác quốc tế và những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật điều tra sẽ đẩy lùi nạn BBĐVHD trái phép đe dọa đến sự tồn vong các loài cũng như hệ sinh thái.