Quản lý và sử dụng hiệu quả ODA cho ngành nông nghiệp

ThienNhien.Net – Trong hai ngày 4-05/09/2009, tại Ba Vì, Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo“ODA cho ngành Nông nghiệp trong 15 năm qua, hiệu quả và những bài học kinh nghiệm, khuyến nghị trong thời gian tới”. Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Lê Văn Minh đã chủ trì và khai mạc Hội thảo.


Tham dự hội thảo có gần 60 đại biểu chủ yếu là các nhà quản lý, các chủ quản dự án từ các cơ quan trung ương, các bộ ngành liên quan đến các dự án đầu tư từ Nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá ban đầu về vai trò và tác động của nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đối với quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong thời kỳ 1993-2008, đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả ODA cho ngành Nông nghiệp, nông thôn trong gian đoạn phát triển mới của đất nước, nhất là thời ký sau năm 2010.
Sau khi nghe trình bày báo cáo “Thực trạng và giải pháp huy động và quản lý nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức cho phát triển nông nghiệp và nông thôn thời kỳ 1993-2008” của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực cả về bố cục và nội dung để xây dựng hoàn chỉnh bản báo cáo chung này. Theo Ban tổ chức Hội thảo, sau khi hoàn chỉnh bản báo cáo trên sẽ gửi trình Bộ trưởng và các nhà tài trợ.

Hội thảo thống nhất với các ý kiến đóng góp với nội dung đánh giá và phân tích vai trò và hiệu quả của ODA trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm 6 vấn đề chính: (1) Đóng góp vào việc xoá đói giảm nghèo; (2) Nâng cấp cơ sở hạ tầng trong ngành nông nghiệp; (3) Bảo vệ môi trường; (4) Nâng cao năng lực quản lý; (5) Phát huy động lực phát triển nông nghiệp và nông thôn; (6) Nâng cao động lực thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài.

Để đáp ứng phù hợp với tình hình mới, ý kiến cũng thống nhất đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại và tiếp tục xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trong giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tập trung ưu tiên vào các vấn đề chính như: (1) Tiếp tục hỗ trợ nhàm xoá đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa; (2) Hướng tới các chính sách hỗ trợ nhằm tăng thu hoạch và đời sống xã hội trong ngành Nông nghiệp, đặc biệt chú trọng vào phát triển trồng rừng; (3) Xây dựng các bài toán phù hợp với sự biến đổi khí hậu, chống ảnh hưởng xấu trong nông nghiệp; (4) An toàn thực phẩm; (5) An ninh lương thực.