Hình thức nuôi thuỷ sản xen canh ở Thanh Hóa

ThienNhien.Net – Trước kia, ở xã Quảng Khê (Quảng Xương, Thanh Hóa), 20 ha nuôi nước lợ thường phân tán rải rác do nhiều chủ hộ sử dụng với qui mô nhỏ lẻ, chính vì vậy việc tập trung quản lý và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra thường gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, UBND xã đã vận động bà con dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại hệ thống ao nuôi nhờ đó từ 75 hộ nuôi đến nay số diện tích này được giao cho 25 chủ hộ quản lý, với mỗi hộ có diện tích ít nhất từ 3 ha ao nuôi trở lên, người dân được giao đất ổn định lâu dài, nên rất yên tâm đầu tư vốn để tập trung cho sản xuất.


Hiện nay ở Quảng Khê, các hộ nuôi trồng thuỷ sản đã tập hợp lại với nhau và hoạt động theo hình thức tổ hội, nhờ đó thông qua các buổi sinh hoạt các hội viên đã có sự gắn bó, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, những cách làm hay, kinh nghiệm quý đã được phổ biến cùng nhau. Hội nuôi trồng thuỷ sản xã Quảng Khê xác định với địa hình đồng đất của địa phương chỉ thích hợp với loại hình nuôi xen canh gối vụ, ngoài con tôm sú cần đưa thêm những loài có giá trị kinh tế khác vào nuôi thả, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ đó, trong những năm qua đa số các hội viên tuỳ vào điều kiện kinh tế cũng như khả năng của mỗi hộ đã lựa chọn hình thức đa dạng hoá con nuôi, ngoài tôm sú, còn có các loại thuỷ sản khác như cua biển, cá vược, cá bống bớp…, để đưa vào nuôi thả. Với cách làm này không chỉ tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích so với nuôi chuyên tôm mà còn góp phần cải thiện môi trường ao nuôi.

Điển hình là 8 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Một vài vụ nuôi đầu do chỉ tập trung nuôi chuyên tôm nên năng suất khá bấp bênh và hiệu quả không tương xứng với tiềm năng. Năm 2004, được Trung tâm khuyến ngư nay là Trung tâm khuyến nông tỉnh đầu tư xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm bằng nguồn cua giống sản xuất trong tỉnh, vụ nuôi này gia đình ông Tuấn đã thu được 1 tấn cua thương phẩm trên diện tích 0,5 ha.

Từ thành công của mô hình, nhận thấy con cua khá phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mình từ đó đến nay mỗi năm ông Tuấn đã tổ chức ương nuôi hàng vạn con cua giống, không chỉ phục vụ nhu cầu nuôi thả trong gia đình mà còn cung ứng cho bà con trong vùng, thu nhập từ nuôi tôm cua kết hợp mỗi năm gia đình ông luôn giữ mức thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng.

Cũng giống như ông Tuấn gia đình ông Lê Xuân Hạnh có tới 7,5 ha diện tích ao nuôi. Ông Hạnh luôn được bà con nuôi trồng thuỷ sản trong vùng tin cậy và tìm đến học hỏi bởi cung cách sản xuất mang tính khoa học và hiệu quả cao. Khu nuôi trồng thuỷ sản của gia đình ông được quy hoạch khá hoàn chỉnh, có hệ thống cống cấp và thoát nước riêng biệt.

Trên tổng diện tích của mình, ông Hạnh dành một phần để xây dựng hệ thống ao ương nuôi theo từng cấp độ, con giống khi đưa về được ông Hạnh ương nuôi chăm sóc kỹ, đến khi giống đã đủ kích cỡ, khoẻ mạnh, ông Hạnh mới thả xuống ao nuôi thương phẩm. Cách làm này không chỉ giúp cho con giống được thuần hoá với môi trường, khí hậu mà còn tránh được rủi ro thiệt hại do mầm bệnh từ con giống mang lại. Sau khi thả tôm được gần 2 tháng, ông Hạnh đưa cua , cá rô phi, cá bống bớp đã được ương nuôi vào trong ao tôm sú. Nhờ công tác quản lý môi trường tốt nên gần chục năm trở lại đây, ao nuôi không xảy ra dịch bệnh. Riêng vụ nuôi xuân hè năm nay, theo ước tính của ông Hạnh, thu hoạch từ tôm là 1,5 đến 2 tấn, cua đạt gần 3 tấn và hàng tấn cá các loại, giá trị ước đạt gần 1 tỷ đồng.

Nghề nuôi trồng thuỷ sản nước lợ không những đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, nắm vững kỹ thuật mà còn phải biết lựa chọn đối tượng con nuôi, hình thức sản xuất phù hợp với từng địa phương mới mong mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cách làm của các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Khê là cách làm hay, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững, mô hình này rất cần được nhân rộng đối với vùng triều ven biển.