Có nên phát triển tôm thẻ chân trắng ở đồng bằng sông Cửu Long

Vài năm gần đây, trong khi việc nuôi tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng gặp nhiều rủi ro thì tôm thẻ chân trắng xuất hiện với ưu thế: năng suất cao, dễ bán, chi phí thấp. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi vẫn còn e ngại với con tôm "ngoại lai" này.

Lãi 120 – 150 triệu đồng/ha

Tôm thẻ chân trắng từng được Công ty nuôi trồng thủy sản Duyên Hải nhập về nuôi và nhân giống thành công ở Bạc Liêu từ năm 2001. Tuy nhiên, khi đó lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu không khuyến khích nuôi vì quá mới mẻ, chưa có quy trình kỹ thuật nuôi hoàn chỉnh, chưa kiểm soát được dịch bệnh và quan trọng hơn là không có doanh nghiệp (DN) nào mua loại tôm này, nên nó không có cơ may phát triển.

Nay, thị trường thế giới đã có nhiều biến động, người tiêu dùng các nước chuyển sang tiêu thụ mạnh tôm thẻ chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc… Vì thế, tôm thẻ chân trắng có cơ hội xuất hiện trở lại, nhất là khi nó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN – PTNT) “mở đường” bằng một chỉ thị được ban hành đầu năm, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Qua một vụ mùa thử nghiệm, tôm thẻ chân trắng đã phần nào khẳng định được ưu thế trên các ruộng tôm ĐBSCL: thời gian nuôi ngắn, năng suất cao, dễ bán… Tại Kiên Giang, 4 DN nuôi tôm thẻ chân trắng đều cho năng suất 12-13 tấn/ha, thu lợi bình quân 120 triệu đồng/ha. Tại Cà Mau, Công ty cổ phần hải sản Minh Phú nuôi thí điểm 13 ha tại ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn. Đến thời điểm hiện nay, tôm nuôi đã 80 ngày tuổi, trọng lượng 75 con/kg, năng suất ước đạt 10 tấn/ha, lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Tại Sóc Trăng, Bến Tre… tôm thẻ chân trắng cũng đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Ông Đinh Vũ Hải, Giám đốc kỹ thuật Công ty Hải Nguyên cho biết: “Một trong những lợi thế của tôm thẻ chân trắng là thời gian thu hoạch nhanh, từ khi thả tôm đến khi thu hoạch chỉ 70 – 80 ngày. Do vậy, có thể quay vòng đến 3 vụ nuôi/năm”.

Ông Hải nhẩm tính, giá thành sản xuất 1 kg tôm thẻ chân trắng từ 36.000 – 38.000 đồng. Với giá thị trường hiện nay, người nuôi tôm thẻ chân trắng lãi 15.000 đồng/kg (tức lãi trên 42% so với đồng vốn bỏ ra). Nếu một năm nuôi được 3 vụ “trơn tru” thì cộng vốn, lãi suất, người nuôi tôm thẻ sẽ lãi đến trên 120%. Trong khi đó, con tôm sú mỗi năm chỉ nuôi được 1 vụ. Giá thành để nuôi được 1 kg tôm sú từ 70.000 – 80.000 đồng. Với giá tôm sú hiện nay thì người nuôi nếu trúng cũng chỉ thu lãi trên 30%/năm.

“Cuộc chiến” tôm sú – tôm thẻ chân trắng

Mặc dù hầu hết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đều gặt hái thành công, nhưng lãnh đạo các địa phương và những người có kinh nghiệm nuôi tôm ở ĐBSCL vẫn còn e ngại. Đã và đang diễn ra những “cuộc chiến” âm thầm giữa người nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại một số địa phương. Điển hình là ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Chỉ cách nhau một con đường nhỏ, nhưng trong khi phía bên Sóc Trăng đã nuôi tôm thẻ chân trắng từ nhiều năm nay thì phía Bạc Liêu, người nuôi con tôm này gặp sự phản ứng quyết liệt từ chính quyền và đặc biệt là những người nuôi tôm sú lâu năm.

Ông Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông) – được mệnh danh “vua tôm sú miền Tây” – chính là người phản ứng mạnh mẽ nhất việc phát triển tôm thẻ chân trắng. Nhiều năm nay, ông là người tiên phong nuôi tôm sú theo quy trình tôm sạch, sử dụng công nghệ vi sinh và được Bộ Khoa học – Công nghệ trao cúp vàng. Ông Ngoãn nói: “Trước đây, tôi từng nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng thất bại, vì tôm thẻ chân trắng dễ mang bệnh taura. Nếu nuôi cạnh nhau, lỡ bệnh lây qua con tôm sú thì vùng tôm Vĩnh Trạch Đông này coi như chết trắng”.

Tại Tiền Giang, có đến 48/116 ha nuôi tôm thẻ chân trắng thí điểm trong vụ nuôi vừa qua bị chết, khiến cả trăm hộ dân bị rơi vào cảnh khó khăn. Theo bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, nguyên nhân tôm thẻ chân trắng bị chết trên diện rộng là do chất lượng con giống quá kém. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Việt Thắng đồng tình với nhận định này. Theo ông Thắng, hiện nay việc sản xuất, nhập khẩu con giống chưa được kiểm soát tốt. Ông đề nghị các địa phương và Cục Thú y đẩy mạnh việc kiểm soát con giống từ các cửa ngõ, kiên quyết không để “lọt” con giống xấu vào Việt Nam.

Phát triển hay dừng lại?

Về định hướng phát triển ngành nuôi tôm ở nước ta trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Việt Thắng cho rằng, con tôm sú đã phát triển tương đối ổn định, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi mới, nhiều nơi trên thế giới đã từng nuôi thành công. Tới đây, ở miền Bắc, miền Trung có thể thay tôm sú bằng tôm thẻ chân trắng. Ở miền Nam, nhất là các tỉnh ĐBSCL, tôm thẻ chân trắng được nuôi nhằm đa dạng thêm đối tượng nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, không đồng nghĩa với chủ trương thay thế con tôm sú. Do đó, các địa phương cần chọn khu quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng và phải quản lý tốt chất lượng con giống, kiểm soát môi trường.

Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, thị trường thế giới đang thiên về hướng tiêu thụ mạnh tôm thẻ chân trắng, nếu chúng ta không phát triển nhanh sẽ bỏ lỡ thời cơ, giảm thu nhập cho người nông dân. Chủ trương của Bộ là đẩy mạnh việc phát triển tôm thẻ chân trắng nhưng phải kiểm soát chặt chẽ về con giống, môi trường, quy hoạch vùng nuôi. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chuyện phát triển nuôi đại trà tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL hãy còn xa…