Phía cuối dòng Mê Kông (Kì 1)

ThienNhien.Net – Các kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra đều báo trước một tương lai nhiều biến động đối với Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nước biển dâng, hàng trăm ngàn ha đất tại vùng đồng bằng này sẽ ngập chìm trong nước. Tuy nhiên, viễn cảnh ấy (dù không xa) vẫn còn lơ lửng như những hạt phù sa trên biển trong suy nghĩ của nhiều người dân miền đất này. Họ chỉ thấy rõ một điều là nguồn lợi từ dòng sông có tên Mê Kông đem lại đang ngày càng ít dần.

Kì 1: Thiên tai và nhân họa

Biến đổi môi trường và nỗi lo cơm áo của ngư dân ĐBSCL

Ngày 20/08/2009, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam”. Theo đó, trong vòng 100 năm tới, ở mức nước biển dâng 65cm thì ĐBSCL sẽ bị ngập 5.133km2 (12,8% diện tích). Còn ở mức nước dâng 1m, sẽ có 15.116km2 (37,8%) đất đai bị nhấn chìm trong nước biển. Những đầm tôm, ao cá, vườn cây trái, nhà cửa… và cả vựa lúa lớn nhất nước đều có nguy cơ bị nước biển dâng kéo theo lụt lội, triều cường nhấn chìm.

Các nhà hoạch định chiến lược hiện rất quan ngại trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mấy năm vừa qua và nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Biết bao người dân bị ảnh hưởng sẽ sinh sống ở đâu và ra sao nếu tình hình nước biển dâng theo đúng kịch bản dự đoán? Tuy nhiên, đối với hàng triệu người dân miền đất này, những người sẽ phải gánh chịu hậu quả trực tiếp và nặng nề nhất, dự báo này thật sự còn quá “xa vời”. Không phải họ dửng dưng, chỉ vì họ còn bận bịu với quá nhiều lo toan của cuộc sống thường nhật. Biến đổi khí hậu vì thế vẫn chỉ là nỗi lo của… các nhà khoa học và những nhà hoạch định chính sách.

Sống tại cuối nguồn con sông Mê Kông chảy ra cửa biển Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Còn đã có bao đời gắn bó với nghề chài lưới trên sông. Ông thuộc khúc sông này như lòng bàn tay mình, bởi chính dòng sông đã nuôi dưỡng ông từ hồi còn tấm bé cho đến khi trưởng thành rồi lấy vợ sinh con. 30 năm bươn chải với dòng sông, chưa bao giờ ông nhận thấy lượng cá, tôm ít như bây giờ.

Ông cho biết: “Cách đây 10 năm, đoạn sông này cá, tôm rất nhiều. Vợ chồng tôi chài có ngày gần 50 kg, bây giờ thì rất khó kiếm được con cá lớn. Trước kia mỗi mùa lũ, khi nước từ đầu nguồn chảy xuống tôi vẫn bắt được cá linh, cá úc… bây giờ hai loại cá này rất hiếm. Tôi thấy biến đổi khí hậu gì đó trên ti vi nói hoài còn tôi chỉ thấy thực tế là cá tại dòng sông này dần ít đi nhiều. Có lẽ do nhiều người bắt quá, nhưng hỏi mấy bạn ghe cùng xóm thì họ nói cũng không bắt được cá lớn”.

Cũng như ông Còn, hàng trăm người sinh kế bằng nghề chài lưới ở cuối khúc sông Hậu đổ ra cửa biển Trần Đề này đều không thể hiểu vì sao lượng cá, tôm trên sông ít đi nhiều. Họ chỉ phỏng đoán do nhiều người đánh bắt nên cá sinh không kịp nhu cầu khai thác. Những người ngư dân này chỉ lơ mơ hiểu như vậy, song họ đâu biết rằng trên thực tế chính sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên của con người giờ đang khiến họ phải gánh chịu hậu quả.

Những người ngư dân nghèo nơi đây chỉ là những nạn nhân vô tội, hoặc nếu có cũng chỉ góp thêm một phần rất rất nhỏ vào bức tranh xám màu về môi trường trên dòng sông lớn thứ 12 thế giới này.

Bàn tay con người

Vì những khoản lợi trước mắt, chính bàn tay con người đã can thiệp thô bạo vào dòng sông và vô tình đẩy con người (cũng lại chính con người) là dân nghèo vào ngõ vắng của đường mưu sinh.

Dòng Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, vòng vèo uốn lượn để rồi đổ vào lãnh thổ Việt Nam bằng hai nhánh (Sông Tiền và sông Hậu), tạo nên lưu vực rộng lớn nuôi sống hàng triệu người. Từ đây những hạt nước chảy qua chín nhánh sông đổ ra biển lớn.

Từ thế kỷ 18, người Pháp đã bắt đầu ngược dòng Mê Kông để khám phá những nguồn lợi thiên nhiên to lớn do con sông mang lại. Họ đã phát hiện ra nhiều thác nước, cù lao, ao hồ… và thấy được sự cần thiết trong hợp tác chia sẻ quyền lợi giữa các nước có dòng Mê Kông chảy qua, đồng thời cũng không quên cảnh báo việc “ngăn sông” làm thủy điện. Dù vậy, những lời cảnh báo này không được chú ý đến.

Bất chấp phản ứng từ phía các nhà môi trường, Trung Quốc đã liên tiếp cho xây dựng những con đập lớn nhỏ. Hàng loạt những con đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng… đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Kế hoạch xây dựng đập Tiểu Loan của Trung Quốc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tiếng nói vì môi trường, cuối cùng vẫn được thi công. Cũng bởi những thác nước tại dòng sông này rất thuận lợi cho phát triển thủy điện. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, công nghiệp dẫn đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng và thủy điện trở thành lựa chọn số 1.

Không riêng Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia cũng cho xây dựng những con đập “ngăn sông” làm thủy điện. Theo Giáo sư, TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa 11, những con đập thủy điện từ thượng nguồn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, chất lượng nước, lưu lượng nước, môi trường thủy sinh… của cả dòng sông, mà hạ lưu là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Cũng theo GS Nguyễn Ngọc Trân, ngay từ bây giờ các nước hạ lưu sông Mê Kông cần nghiên cứu tác động của các hoạt động phát triển này đến dòng chảy, thủy sinh, độ xâm mặn, sự bồi đắp phù sa… của con sông để đưa ra những dự báo kịp thời.

Chính tác động của con người đối với dòng sông Mê Kông đã gây nên những thiên tai, tạo ra những thảm họa gấp nhiều lần những gì Tạo hóa tạo ra bản chất của dòng sông này mang đến. Tạo hóa đã ban phát cho con người những dòng sông thơ mộng, hiền hòa, nuôi sống biết bao con người nhiều đời nay. Song Tạo hóa cũng rất công bằng một khi những sản vật của Người ban tặng không được con người trân trọng giữ gìn.

Cuối nguồn mưu sinh

 
Người dân miền Tây vốn hiền lành, họ khai thác thủy sản ít thì đổ cho nhiều người cùng khai thác hay tại ông trời. Lúa thất, trúng là do thời tiết, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn là do thiên nhiên… 

Theo thống kê của Uỷ ban Sông Mê Kông Việt Nam, có trên 70 triệu người sinh sống tại các lưu vực của dòng sông này. Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số người trực tiếp khai thác sản vật trên sông để mưu sinh, tuy nhiên, con số này không nhỏ.

Hạ lưu sông Mê Kông thuộc Việt Nam, vùng ĐBSCL, có 17 triệu dân (chiếm 21% dân số cả nước) với 80% số dân sống bằng nghề nông, chính vì thế những tác động đến hệ sinh thái, môi trường, mà cụ thể ở đây là tác động tới dòng sông Cửu Long sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sinh kế của người dân.

Xóm Đáy thuộc xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng – thuộc hạ lưu sông Hậu, gần đây nhiều ngư dân đã phải giải nghệ do không thể tiếp tục mưu sinh bằng nghề cá. Nguyên nhân đơn giản là cá không còn nhiều như xưa trong khi giá cả nhiên liệu (dùng chạy ghe, thuyền đánh cá) cứ leo thang mỗi ngày. Nhiều ngư dân phải bỏ nghề để làm lao động công nhật cho nhà máy nhiệt điện Long Phú gần đó mỗi ngày kiếm 50.000 đồng – 70.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng làm nghề từ lúc còn nhỏ, nay đã có con 17 tuổi cho biết: “Bây giờ kiếm được con cá, con tôm khó quá. Gia đình tui làm nghề này mấy chục năm nay rồi, nhưng chưa năm nào thất như năm nay. Con cá, con tôm nó đi đâu mất hết nên đành phải bỏ nghề thôi”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cá, tôm tự nhiên thuộc sông Hậu thời gian gần đây giảm đáng kể. Chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những người đánh bắt trên sông. Hiện chính quyền Sóc Trăng đang lập phương án chuyển đổi nghề cho những ngư dân sống trên sông. Tại cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, thành Phố Cần Thơ, những ngư dân hành nghề đánh lưới trên sông cũng chua xót chấp nhận thực tế là bước mưu sinh của mình đang gặp phải khó khăn do cá dần cạn nguồn.

Nếu những người trực tiếp khai thác những sản vật trên sông đang gặp khó khăn thì cả cánh đồng lúa mênh mông của Cửu Long cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trong tương lai gần.


* Đáy là dụng cụ làm bằng lưới có miệng lớn dùng để bắt cá trên sông. Cá theo nước vào miệng đáy sâu trong tùng không bơi lên được.