Đồng Tháp Mười hồi sinh sau mười năm

ThienNhien.Net – “Ai có qua miền đồng bằng sông Cửu Long/Xin ghé lại quê hương tôi/Quê hương Đồng Tháp Mười…” – Câu hát mộc mạc, xao xuyến lòng người, khiến ai cũng ao ước một lần đến với Đồng Tháp Mười – vùng đất ngập nước trù phú với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ – vùng đất chiến khu xưa với nhiều chiến tích lẫy lừng. Nhưng tiếc thay, nạn cháy và lũ lụt xảy ra vào những năm 1996 – 2000 đã làm diện tích rừng tràm Đồng Tháp Mười giảm đáng kể, gây mất cân bằng sinh thái. Môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, các loài động thực vật mất dần. Chính vì vậy, năm 1999, dự án xây dựng nhằm bảo tồn hệ sinh thái động thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười đã được triển khai và sau 10 năm hệ sinh thái Đồng Tháp Mười đã có những thay đổi.


Diện tích rừng tràm ngày nay tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang đã được khôi phục lớn nhất và nổi tiếng với các khu du lịch sinh thái. Và kí ức về vùng đất châu thổ miền Tây nam bộ với những cánh rừng tràm đã trở lại. Đến đây, du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp của rừng tràm hồi sinh – nơi cư trú của nhiều loài động thực vật, được hòa mình vào thiên nhiên và chiêm ngưỡng những đầm sen ngát hương.

Cũng từ mục đích bảo tồn hệ sinh thái nơi đây mà Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đã được hình thành trên địa bàn xã Thạnh Tân, Tân Phước (Tiển Giang) với 1.900 ha vùng đệm, vùng trung tâm 100 ha trong đó có 40 ha rừng tràm nguyên sinh, 40 ha mặt nước. Rừng tràm ở đây là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật phong phú và đa dạng với 2 vạn loài chim quý trong đó nhiều nhất là cò, vẹt, lele.

Bên cạnh đó, du lịch sinh thái gắn liền với hoạt động bảo tồn đã mở ra một hướng phát triển mới cho đời sống kinh tế – xã hội của vùng.

Đồng Tháp Mười giờ đây không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng cỏ mà còn bạt ngàn những cánh rừng tràm. Đây là loài cây thích nghi với vùng đất nhiễm phèn, đã góp phần hạn chế phèn, bảo vệ môi trường, chống xói lở ở vùng đầu nguồn và giúp người dân trong vùng phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn.

Về Đồng Tháp Mười, du khách còn được chiêm ngưỡng những đồng sen rộng dài ngút mắt. Đi men theo những bờ đê bao ngăn lũ, du khách có thể nghiêng mình vít một đoá sen, ngắm nhìn nhuỵ sen vàng ủ trong những cánh hoa trắng muốt và thưởng thức mùi thơm dịu nhẹ trong không gian tinh khiết của buổi chiều tà êm ả.

Những bông sen trắng, hồng không chỉ tô điểm cho cảnh đẹp đồng quê du lịch sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, mà còn trở thành một trong những cây trồng cho sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và ngoài vẻ đẹp của sen, du khách còn được biết đến tấm lòng hồn hậu của người dân vùng ngập lũ.

Tạm biệt Tháp Mười, tạm biệt những vạt lúa trời mà thiên nhiên ưu đãi cho nơi đây, tạm biệt những đồng sen, rừng tràm… Và hy vọng, Đồng Tháp Mười sẽ mãi là một điểm du lịch đa dạng và hấp dẫn đối với mọi du khách, để rồi ai đã đến một lần vẫn mong được có lần quay trở lại…