Hà Giang: Chấn chỉnh hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản

ThienNhien.Net – Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có trên 40 mỏ và điểm mỏ, với 28 loại khoáng sản. Những năm gần đây, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng khá, tập trung chủ yếu vào việc khai thác ăngtimon, chì, kẽm, sắt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập do doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, tài nguyên và môi trường.


Tính đến hết tháng 06/2009, tỉnh Hà Giang đã cấp phép khai thác, chế biến tại 36 điểm mỏ khoáng sản kim loại, trong đó có 3 dự án chế biến sâu khoáng sản ăngtimon.

Tính từ năm 1996 đến hết năm 2008, tổng khối lượng các loại khoáng sản đã khai thác, chế biến trên địa bàn tỉnh là trên 441.000 tấn. Năm 2008, doanh thu từ khai thác, chế biến khoáng sản đạt 90 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước trên 6 tỷ đồng. Hàng nghìn lao động địa phương, nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa đã có công ăn việc làm, với mức thu nhập bình quân từ 800.000đ – 3.200.000đ/người/tháng.

Bên cạnh những hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội nói trên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường. Một số doanh nghiệp hoạt động không có thiết kế mỏ; không đăng ký thời gian xây dựng cơ bản mỏ; chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đạt tiêu chuẩn; không đủ năng lực tài chính để đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản; thiếu kinh nghiệm và thiếu đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu. Hoạt động còn mang tính phân tán, chưa phát huy được sức mạnh của liên doanh, liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị khoáng sản, chủ yếu mới dừng ở khâu sơ tuyển. Thiết bị, công nghệ lạc hậu gây tác động xấu đến môi trường và lãng phí tài nguyên quốc gia.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh lại hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Trước mắt, yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật trước ngày 30/09/2009.

Từ nay đến hết quý II/2010, UBND tỉnh sẽ không xem xét, đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương không cấp giấy phép xuất khẩu tinh quặng của bất kỳ doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác thăm dò và nâng cấp tài nguyên khoáng sản tại hầu hết các mỏ, điểm mỏ để đảm bảo độ tin cậy cho việc khai thác. Khuyến khích các doanh nghiệp cùng liên doanh, liên kết đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào khâu khai thác, tuyển luyện khoáng sản, khai thác triệt để và tiết kiệm tài nguyên, kết hợp với chế biến sâu để tăng giá trị khoáng sản, quyết tâm đưa ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.