Trung Quốc: Báo động khủng hoảng lương thực

Giá thực phẩm tăng, biến đổi khí hậu, cuộc chiến thương mại với Mỹ cùng các thỏa thuận đơn phương đang đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thiếu hụt lương thực.

Cảnh báo từ Sách trắng

Theo Sách Trắng về An ninh Lương thực được chính phủ Trung Quốc công bố vào trung tuần tháng 10 vừa qua, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ rối loạn an ninh lương thực do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nếu xung đột tiếp diễn, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ cạn kiệt và quốc gia này có nguy cơ phải đối diện với khủng hoảng lương thực.

Trung Quốc vừa trải qua cuộc khủng hoảng thịt lợn nghiêm trọng sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Trong 40 năm qua, thực phẩm nhập khẩu đã chuyển từ mới lạ sang cần thiết cho nhiều gia đình Trung Quốc, một phần do nhiều vụ bê bối chất lượng nguồn thực phẩm trong nước đã khiến người dân của quốc gia này bắt đầu xem hàng nhập khẩu là lựa chọn an toàn và lành mạnh hơn so với các nhà cung cấp trong nước, đặc biệt là hàng hóa đến từ các quốc gia phương Tây.

Có thể thấy, Trung Quốc lệ thuộc nặng vào các loại lương thực nhập khẩu. Theo báo cáo, Trung Quốc đã nhập 73,6 tỷ USD thực phẩm trong năm 2018, tăng từ con số khoảng 4 tỷ USD vào năm 1997. Mặc dù phần lớn trong số này là thịt, sữa và hải sản, nhưng cũng có những thực phẩm chế biến nhập khẩu và đồ uống có cồn.

Trong năm 2015, hơn 96% hộ gia đình Trung Quốc ở các khu vực đô thị lớn đã báo cáo mua thực phẩm hoặc đồ uống nhập khẩu, và trung bình hộ gia đình này đã thực hiện tới 15 lần mua hàng nhập khẩu mỗi năm. Ngay cả ở các thành phố nhỏ hơn, hơn 80% gia đình cho biết họ đã mua thực phẩm nhập khẩu trong năm qua.

Tuy nhiên, trong Sách trắng cho thấy, hoạt động nhập khẩu lương thực đã bị gián đoạn bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng.

Cụ thể, mặt hàng đậu tương, loại nông sản mà Trung Quốc luôn nhập khẩu lượng lớn, đang có xu hướng suy giảm đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu thực phẩm cũng có xu hướng thu hẹp, giá của các nguyên liệu thô khác nhau liên quan đến đậu tương cũng mất tính tăng trưởng.

Chuyên gia Long Vĩnh Đồ, một cựu quan chức đàm phán thương mại của Trung Quốc đã công khai chỉ trích chiến lược này là không khôn ngoan, vì Trung Quốc rất cần đậu tương nhập khẩu.

Nếu điều này tiếp tục duy trì trong năm tới khi hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu đậu tương khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ, khi các nguồn nhập khẩu bên ngoài vẫn còn hạn chế về chất lượng.

Một mặt hàng khác cũng đang trong tình trạng báo động đỏ là thịt lợn. Sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn tăng 27%. Tương tự mặt hàng đậu tương, việc ngừng mua thịt lợn nhập khẩu của Mỹ đã khiến quốc gia này trải qua giai đoạn khủng hoảng thịt lợn trong những tháng vừa qua.

Lester Brown, một cựu chuyên gia phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu lương thực Mỹ là một bước đi nóng vội.

“Việc diện tích đất nông nghiệp đang ngày một thu hẹp lại cùng sự biến đổi khí hậu đã không cho phép Trung Quốc đảm bảo duy trì tự cung tự cấp lương thực trong bối cảnh dân số gia tăng nhanh chóng. Do đó, một tương lai không có thịt rõ ràng không phải là điều người Trung Quốc coi là tốt đẹp”, ông nhận định.

Cần thận trọng

Mặc dù vậy, với chính sách đa dạng hóa thị trường, trong ngắn và trung hạn, Trung Quốc sẽ chưa phải đối mặt với vấn đề cấp bách về thiếu lương thực. Những năm gần đây, quốc gia này đã tìm cách đa dạng hóa thị trường nhập khẩu lương thực thông qua các dự án hợp tác nông nghiệp ở Nga, Đông Âu, Châu Phi và Nam Mỹ và đang có xu hướng mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.

Đặc biệt, nếu như Hiệp định RCEP được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu lương thực của Trung Quốc khi các mức thuế cho hàng hóa nông sản nhập khẩu sẽ được hưởng những ưu đãi lớn.

Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc vẫn rất lớn trong thời gian tới.

Do đó, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản sang Trung Quốc, nếu đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng của thị trường này. Mặt khác, các quốc gia cũng có thể tận dụng ưu thế tập trung đẩy mạnh vào hàng hóa mà Trung Quốc không thể sản xuất một cách dễ dàng như trái cây nhiệt đới.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, cần cân bằng giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với việc bảo vệ môi trường. Cụ thể trong một báo cáo của Carin Smaller, cố vấn của Viện Phát triển Bền vững Quốc tế đã nhấn mạnh sự liên quan giữa việc phá rừng để tăng diện tích đất chăn nuôi phục vụ cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc có dân số lớn và nhu cầu thực phẩm cao, chính vì vậy, quốc gia này vẫn luôn là thị trường tiêu thụ hấp dẫn với các nước sản xuất nông sản trên thế giới. Nhưng các đối tác của Trung Quốc vẫn cần thận trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi nhảy vào miếng bánh hấp dẫn này.