Điện về nông thôn và những đổi thay

ThienNhien.Net – Không thể phủ nhận đưa điện về nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo bước phát triển về kinh tế xã hội cho đất nước, làm đổi thay diện mạo miền quê Việt Nam. Điện không chỉ giúp bà con nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất, phát triển kinh tế địa phương mà đối với Cà Mau, nó còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là đời sống văn hóa tinh thần từ sự hoàn thiện hơn trong các lĩnh vực giáo dục, y tế.


Chủ trương điện khí hoá nông thôn những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ nhằm cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, phát triển sản xuất và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nông thôn. Điện về, cuộc sống của người nông dân thay đổi từng ngày và tạo nhiều niềm vui cho nhân dân từ những điều bình dị nhất…

Rõ ràng, điện về đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi; làm tăng năng suất và sản lượng lương thực, hoa màu; phát triển công nghiệp chế biến; mở ra nhiều ngành nghề mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Có điện, người dân nông thôn có điều kiện mua sắm phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, kéo theo sự ổn định về an ninh trật tự cho khu vực nông thôn.

Đưa điện về nông thôn là một quá trình lâu dài và bền bỉ mang lại cả hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội. Qua 10 năm thực hiện đưa điện về nông thôn, đến nay đã có 235.445/264.367 hộ được sử dụng điện, chiếm tỷ lệ 89,06% so với năm 1997 số hộ sử dụng điện chỉ đạt 16,15%. Về vùng nông thôn xa xôi, điện đến với người dân như là một khởi đầu của sự phát trỉển và ở đó, họ hân hoan đón nhận bằng sự biết ơn Đảng và Nhà nước.

Ông Phan Văn Tài ở ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết: “Mấy mươi năm kể từ sau ngày giải phóng, tôi thấy vui nhất chính là khi điện về nông thôn. Có điện, con cháu không phải trồng trọt vất vả, xách từng thùng nước tưới cây mà đã có máy bơm hỗ trợ, giúp giảm đáng kể công sức và tăng năng suất lao động”.

Ông Lê Thanh Hoài, nông dân cùng ấp vui vẻ: “Điện mang lại rất nhiều tiện ích cho đời sống của chúng tôi. Có điện, đêm đêm con cháu có đèn để học, chúng tôi có tivi màu xem thời sự”. Còn với anh Nguyễn Hoàng Mỹ, chủ một cơ sở sản xuất mê bồ ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình cho biết, từ khi có điện, cơ sở của anh làm ra sản phẩm nhiều gấp 4 – 5 lần trước kia vì mỗi công đoạn làm mê bồ đều được thay thế bằng máy, nhanh nhất là dùng máy chẻ nan, đỡ tốn công sản xuất, làm ra mê bồ rất nhanh, do vậy mỗi chuyến anh cho xuất sang sang Campuchia từ 800 – 1.000 mê bồ, thu lãi trên chục triệu đồng.

Sau mười năm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, đời sống nhân dân vùng nông thôn được cải thiện rõ nét, mang lại tiện ích rất lớn cho người dân trong sinh hoạt sản xuất, đã có nhiều khu nuôi tôm công nghiệp sạch được hình thành, các tụ điểm văn hóa cũng được xây dựng nhiều và sinh hoạt thường xuyên hơn, các cơ sở kim khí điện máy phát triển hơn, các cơ sở phân phối, chế biến con giống và thức ăn gia súc gia cầm phát triển mạnh đã hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất khép kín trại ươn tôm cua giống, các cơ sở mỹ nghệ chế biến gỗ cũng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện về mọi mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa nông thôn, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương, góp phần tăng tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.

Hệ thống lưới điện còn là hạ tầng thiết yếu để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo hướng ngư – nông – lâm nghiệp giảm dần, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống lụt, bão; phòng, chống cháy rừng, giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng, đặc biệt an ninh nông thôn và vùng ven biển, nhằm ổn định đời sống nhân dân, tạo đà phát triển về kinh tế – xã hội, gắn kết giữa điện, đường, trường, trạm để người dân địa phương được hưởng lợi.

Tuy nhiên, số hộ còn lại chưa được sử dụng điện phần lớn là sống phân tán không theo quy hoạch nên rất khó trong việc cung cấp điện. Phấn đấu của Sở Công thương và ngành điện Cà Mau đến năm 2010 mục tiêu nâng số hộ sử dụng điện lên 93% tương đương 245.861 hộ. Kết quả đó thể hiện nỗ lực của ngành, sự chủ động của địa phương và cả ý thức của người dân khi tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra.