Lâm nghiệp hướng mục tiêu xuất khẩu 16,3 tỷ USD năm 2022

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản 16,3 tỷ USD; tốc độ gia tăng sản xuất lâm nghiệp 102,81%; thu dịch vụ môi trường rừng 2.800 tỷ đồng…

Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu kết luận tại Hội nghị Triển khai công tác Lâm nghiệp 2022.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp có ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một là chủ trì xây dựng 8 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 6 văn bản thuộc chương trình chính thức. Hai là triển khai xây dựng hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm như Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2025…

Ba là thực hiện các chỉ tiêu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao như: Duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, tốc độ gia tăng sản xuất lâm nghiệp 102,81%; trồng rừng tập trung 244.000 ha, trồng 121,6 triệu cây phân tán; đạt giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản 16,3 tỷ USD; khai thác gỗ 31,5 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng 2.800 tỷ đồng, diện tích rừng được cấp chứng chỉ 90.000 ha.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai công tác Lâm nghiệp 2022 diễn ra vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh tới vấn đề quy hoạch lâm nghiệp. Theo ông, quy hoạch lâm nghiệp trước đây chủ yếu là phân loại, quản lý 3 loại rừng: Rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nhưng hiện nay, trên quan điểm phát triển lâm nghiệp thành một ngành kinh tế, quy hoạch cần gắn với chuỗi giá trị, tích hợp với quy hoạch của các ngành khác, nhằm phát huy tối đa giá trị đất sử dụng.

“Các quy hoạch phải gặp nhau ở một điểm, từ quy hoạch cấp Trung ương đến địa phương”, ông Trị nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp hưởng ứng Tết Trồng cây 2022 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ hôm mùng 6 Tết. Ảnh: Bá Thắng.

Vào tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 536/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh tới việc bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp.

Trên cơ sở đó, cùng với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, năm 2021 ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 15,87 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng được 3.153 tỷ đồng… giúp đa dạng nguồn thu từ rừng.

Tuy nhiên, lâm nghiệp là một trong số những ngành có nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, ngành còn Nghị định 83, Nghị định 118 của Chính phủ quy định, hướng dẫn về công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như tái cơ cấu hệ thống.

Cam kết đồng hành, và gửi chi tiết những văn bản hướng dẫn về địa phương, để các bên cùng tích hợp đa giá trị, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị nói: “Chúng ta cần kiên định với những vấn đề đã được quy hoạch”.

Song song với quy hoạch, ngành lâm nghiệp còn nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt trong Quyết định 523/QĐ-TTg. Trong đó, 3 điểm mới cần chú ý là: Chuỗi sản xuất lâm nghiệp, chuyển dịch lâm nghiệp thành một ngành kinh tế và nâng cao chất lượng rừng.

Quy hoạch và phát triển rừng là hai “xương sống” của nhóm nhiệm vụ thứ hai của ngành lâm nghiệp – triển khai xây dựng các chương trình, đề án trọng điểm. Nhằm thực hiện chính xác, chi tiết và kịp thời, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra lại từng điểm nghẽn khi triển khai từng hoạt động trong thực tiễn.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra thực địa. Ảnh: NNVN.

Với quan điểm, lấy giá trị xuất khẩu làm bàn đạp thúc đẩy các chỉ tiêu khác của ngành, phát triển đa dạng nguồn thu từ rừng, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị các địa phương cho ý kiến thảo luận về các Nghị định 118, Nghị định 83 để hạn chế thấp nhất vướng mắc khi triển khai thực hiện. Ông cũng khuyến cáo, địa phương cần căn cứ tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch sát thực tiễn khi tham gia các chương trình, đề án, đặc biệt là quy hoạch cây mắc ca sắp tới.

“Ngành lâm nghiệp cần tránh tư duy đề xuất manh mún, nhỏ lẻ, mà phải tập trung giải quyết vấn đề một cách tổng thể. Muốn vậy, chúng ta cần đánh giá và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, ứng dụng nhiều hơn nữa khoa học, công nghệ”, ông Trị chia sẻ.

Cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng gồm: 34 vườn quốc gia; 56 khu dự trữ thiên nhiên; 14 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 54 khu bảo vệ cảnh quan; 9 khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Ngoài ra là 216 an quản lý khu rừng phòng hộ.

360 trong 383 đơn vị này đã hoàn thành và đang xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của pháp luật về Lâm nghiệp..