Nuôi cua biển – Mô hình hiệu quả

ThienNhien.net – Nhằm đa dạng hoá đối tượng nuôi trong môi trường nước lợ và tìm đối tượng nuôi mới để chuyển đổi một số vùng nuôi tôm sú hay bị dịch bệnh, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị đã chọn hộ ông Hồ Văn Cả ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong tiến hành xây dựng mô hình trình diễn nuôi cua biển trong ao đất, với diện tích 0,5ha, số lượng giống thả 10.000 con cua bột, mật độ thả 2 con/m2.

Vị trí ao nuôi gần sông, nguồn nước ra vào chủ động, không bị ảnh hưởng ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt … không có sóng to gió lớn và dòng chảy lớn, có cống cấp thoát nước riêng biệt, có lưới đăng chắn tránh cua bò ra ngoài.

Bờ ao được thiết kế vững chắc, mặt bờ cao hơn mức nước 0,5m, xung quanh bờ được rào kỹ bằng lưới cước. Đăng chắn được chôn sâu 0,3m ở mép bờ trong ao và nghiêng 45 – 600, cao 0,8 – 1m (từ mặt đất) để cua không bò ra ngoài, giữa ao có các ụ đất chiếm 10 – 15% diện tích ao, cao hơn mặt nước 0,2 – 0,3m có trồng cây để cua trú ẩn và hoạt động như ở ngoài môi trường tự nhiên.

Đáy ao là đất thịt pha sét, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn đáy không dày quá 20cm), chất đất ít bị nhiễm phèn, pH nước 7 – 8,5, độ mặn 18 – 22‰.

Trước khi nuôi 2 tuần tiến hành cải tạo ao, tháo cạn nước, dọn sạch cỏ rác, rải vôi bột đều trên đáy và mép trong bờ ao với lượng 10kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 5 ngày, sau đó cấp nước vào ao đạt mức 0,8m. Nước cấp phải qua đăng chắn bằng lưới để tránh các loài địch hại vào ao gây hại cho cua giống. Khi nước được cấp đủ thì tiến hành kiểm tra lại các yếu tố về môi trường rồi mới thả giống.

Cho cua ăn hàng ngày, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có như cá tạp, còng, hến, nghêu, đầu tôm cá, lượng thức ăn cho ăn bằng 5 – 8% trọng lượng cua, chia làm 2 lần, sáng sớm (5 – 6 giờ) và chiều tối (17 – 18 giờ). Bố trí 15 – 20 chiếc vó trong ao, tuỳ vào diện tích của mỗi ao để bố trí cho phù hợp, điều này là rất cần thiết trong quá trình nuôi cua. Người nuôi cần theo dõi vó để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho hợp lý.
Nếu có nguồn nước chủ động nên thay nước 1 lần/tuần, mỗi lần thay 10 – 20% lượng nước trong ao, tháo nước tầng đáy. Có nước mới trong sạch, sẽ kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.

Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, tránh để cua bò ra ngoài. Định kỳ 10 ngày dùng vó kiểm tra tốc độ tăng trưởng và sức khoẻ của cua, nếu cua có hiện tượng nhiễm bệnh phải tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan. Nếu thấy cua bò lên bờ hoặc bơi nổi trên tầng mặt phải thay nước ngay vì khi đó nước trong ao bị nhiểm bẩn và thiếu ôxy. Những ngày mưa to phải dùng vôi bột rải đều quanh ao, những ngày nắng nóng phải cắm chà xuống ao để cua trú ẩn.

Đến tháng nuôi thứ ba xảy ra hiện tượng cua bị bệnh đóng rong. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình, ông Cả đã tiến hành thay nước liên tục trong vòng 3 ngày với mức nước 30%, sau đó tiến hành xử lý bằng hoá chất olan và kết quả là đàn cua đã khoẻ mạnh, phát triển bình thường.

Sau hơn ba tháng nuôi, ông Cả thu hoạch được 780 kg/0,5ha, cỡ trung bình đạt 0,17 kg/con. Giá bán 86.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi con giống, hóa chất, dầu bơm nước, tiền công…, ông thu lãi 26,08 triệu đồng.

Ông Cả cho biết, cua biển là đối tượng dễ nuôi, tốc độ phát triển nhanh, chi phí con giống ban đầu cao nhưng chi phí trong vụ thấp, tận dụng được nguồn thức ăn địa phương, là đối tượng nuôi ít bệnh, ít gặp rủi ro và có thể thả nuôi xen cua – tôm hoặc cua – cá rô phi.

Qua thực hiện mô hình nuôi cua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị bước đầu đã nhận định: đối tượng này phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường Quảng Trị, mang lại hiệu quả lớn trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi và góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước hiện có. Thời vụ nên bố trí nuôi vào tháng 3 – 5 để kéo dài đến tháng 7 – 8. Đối với nuôi cua thương phẩm trên diện rộng nên nuôi từ cua giống để rút ngắn thời gian nuôi, đồng thời kiểm soát về mật độ, lại dễ chăm sóc. Nên phân bố diện tích nuôi ở nhiều điểm, không nên chỉ đạo nuôi tập trung ở cùng một thời điểm vì thị trường tiêu thụ của cua chủ yếu là trong nước, Lào, Trung Quốc, chỉ thu tỉa cua chứ không thu toàn bộ như tôm.