Bài học từ cây dầu mè ở châu Phi

ThienNhien.Net- Việc trồng đại trà cây dầu mè (jatropha) ở châu Phi để sản xuất nhiên liệu sinh học cho khối EU ngay từ đầu đã nhận được nhiều quan điểm trái ngược, trong đó có ý kiến lo ngại về tính bền vững của loại cây này. Đến nay, chương trình đã bị tạm ngưng. Dĩ nhiên, các nhà đầu tư và chương trình phát triển nhiên liệu sinh học của EU bị ảnh hưởng, nhưng đằng sau họ là những người nông dân nghèo châu Phi, hơn hết phải gánh chịu thiệt thòi.

Kết quả rõ ràng

Tại hội nghị về nhiên liệu sinh học ở Nam Phi gần đây, Giám đốc Công ty Diesel sinh học D1 của Anh tại khu vực Châu Phi, Vincent Volckaert đã có bài trình bày với tựa đề: “Đằng sau bí ẩn của những vụ mùa dầu mè đầy kỳ tích.”

Bên cạnh việc công nhận rõ ràng rằng dầu mè không phải là loại cây thần kỳ, cũng cần nước và phân bón như những loài thông thường khác, ông còn lưu ý thêm rằng cây dầu mè đặc biệt nhạy cảm với sâu bệnh khi không được trồng xen.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết hãng sẽ cho ra loạt hạt giống mới vào năm 2010 hoặc 2011, với kỳ vọng sẽ cho thu hoạch 2 tấn dầu/ha khi trưởng thành tại những khu vực trồng được quản lý tốt.

Đối chiếu những phát biểu của Vincent với kinh nghiệm thực tế của hãng trong ngành chiết xuất dầu mè làm nhiên liệu sinh học trong thời gian qua thì thấy, hãng đã từng bị đổ bể mục tiêu kinh doanh, dẫn đến phải thay đổi chiến lược và thanh lý hầu hết trang thiết bị. Các chuyên gia cho rằng sự đổ bể này do công ty không đủ năng lực sản xuất so với những gì họ đã thoả thuận với nông dân ở Châu Phi và Ấn Độ.

Diện tích trồng vẫn không ngừng mở rộng

Trước những người nông dân vùng Uyo, Nigeria, ông Michael Udo Akpan, chủ tịch một chi nhánh của Hiệp Hội Nông dân Nigieria (AFAN) tuyên bố: “Cây dầu mè tăng trưởng nhanh và chịu được mọi điều kiện thời tiết vì thế chúng ta nên khẩn trương nhân rộng.”

Ông cũng tuyên bố rằng cây dầu mè có nhiều đặc điểm ưu việt như có thể trồng trên bất cứ loại đất nào, vòng đời dài (40-50 năm), mỗi năm cho thu hoạch tới 3 lần với hơn 226 galon cho mỗi héc ta.

Theo con số của ông ta thì sản lượng đạt được là hơn 10.000 lít, trong khi con số kỳ vọng của hãng D1 với những vụ mùa năng lượng hứa hẹn trong tương lai cũng chỉ đến hơn 2500 lít. Có thể nói sự khác biệt giữa những tuyên bố với thực tế là “một trời một vực”, song đáng tiếc điều này rất phổ biến ở Châu Phi. Dự án thường dựa trên sự lạc quan không có cơ sở và do những người không trực tiếp liên quan đứng ra tiến hành và phát triển. Nông dân là người sau cùng chịu hậu quả.

Xuất phát từ những kỳ vọng thiếu căn cứ

Tổ chức môi trường Friends of the Earth (FOE) trước đây đã từng cảnh báo việc trồng đại trà cây dầu mè để sản xuất của hãng dầu D1 thông qua ký hợp đồng với các nông dân nhỏ lẻ ở Swaziland có thể sẽ phản tác dụng.

Tổ chức này kêu gọi EU cần nghiên cứu cây dầu mè một cách kĩ lưỡng trong bản báo cáo năm 2010 vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất gián tiếp sang sản xuất nhiên liệu sinh học và tạm thời ngừng mục tiêu nhiên liệu sinh học, tạm dừng sản xuất dầu D1 cho tới khi chứng minh được rằng những mục tiêu này có thể được hoàn thành một cách bền vững và việc đánh giá tác động môi trường hoàn hành. Đồng thời, họ cũng đề nghị chính phủ Anh tính đến tác động hiện tại của nhiên liệu sinh học tại các nước đang phát triển đối với mùa màng.

FOE nhấn mạnh cây dầu mè hiện tại không thể coi là nguồn nhiên liệu sinh học bền vững được vì những lợi ích mà nó mang lại vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Tin tức Nhiên liệu sinh học, Hãng dầu diesel sinh học D1 đã thú nhận rằng rất nhiều thông tin liên quan đến các mặt tiêu cực của việc trồng cây dầu mè để sản xuất nhiên liệu sinh học trong bản báo cáo đều đúng với nhiên liệu sinh học nói chung, song cũng đưa ra các biện hộ theo kiểu“Trong những tài liệu gần đây chúng tôi đã nói rất rõ rằng việc trồng dầu mè trên đất nghèo sẽ không thể kỳ vọng thu được sản lượng lớn. Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng cây dầu mè là loại cây chỉ cần trồng mà không cần chăm sóc nhiều”. Điều này cho thấy có thể không cố ý nhưng hãng đã góp phần khiến “cơn sốt dầu mè” lan rộng đến các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp phát triển nhanh và đơn giản, khiến họ đi sai hướng do những kỳ vọng mà họ trông đợi từ cây dầu mè.

Vài lời kết

Cũng giống như những gì mà các bản báo cáo gần đây đưa ra, câu chuyện trên khẳng định một điều rằng cây dầu mè chưa thể và không thể phát triển thành các vụ mùa năng lượng chừng nào chỉ dựa trên hạt giống tự nhiên. Giống như các cây trồng năng lượng khác, dầu mè cần được đầu tư phát triển đủ chất lượng để có thể cung cấp dầu cho ngành công nghiệp diesel sinh học.

Chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi liệu ngành công nghiệp diesel sinh học có đang lặp lại “cơn sốt dầu mè” như đã từng diễn ra với tảo và xen-lu-lô hay không bởi nếu như vậy cuối cùng cũng sẽ dẫn tới ảo tưởng tương tự.