Công ty lọc dầu của Trung Quốc đang âm thầm mua dầu thô giá rẻ của Nga

Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Nga, các giao dịch mua dầu thô ESPO gần đây của nhà máy lọc dầu độc lập Trung Quốc gọi là teapot, được đặt hàng để nhận vào tháng 5, các nhà chế biến dầu của Trung Quốc liên tục tìm kiếm nguồn cung dầu của Nga.
Các công ty lọc dầu của Trung Quốc đang âm thầm mua dầu thô giá rẻ của Nga, khi nguồn cung của quốc gia này tiếp tục “tìm đường” vào thị trường đại lục, Bloomberg cho hay.

Không như các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ – đã đưa ra một số biện pháp đấu thầu để mua dầu thô của Nga, các trader tiết lộ với Bloomberg rằng các hãng chế biến dầu thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang đàm phán riêng với bên bán. Các nhà máy lọc dầu độc lập của quốc gia này cũng đang âm thầm mua vào.

Các nhà chế biến dầu của Trung Quốc liên tục tìm kiếm nguồn cung dầu của Nga. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp, quốc gia đều né tránh dầu thô của Nga sau khi Tổng thống Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine do sợ tổn hại danh tiếng hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc – chiếm 1/4 công suất chế biến dầu của cả nước và chủ yếu có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, đã mua một số lượng dầu ESPO được nhập từ cảng Kozmino phía đông của Nga.

Các giao dịch mua ESPO gần đây của các nhà máy lọc dầu độc lập Trung Quốc – được gọi là teapot, được đặt hàng để nhận vào tháng 5 và các nhà chế biến dầu của Trung Quốc liên tục tìm kiếm nguồn cung dầu của Nga, theo thông tin do các trader giấu tên tiết lộ. ESPO là loại dầu được ưa chuộng bởi có thể được vận chuyển đến các cảng nhỏ hơn – nơi không thể xếp dỡ hàng từ các tàu lớn, từ khoảng cách ngắn hơn, giúp giảm thiểu chi phí.

Một số teapot đang thảo luận với các trader về những lựa chọn để thanh toán và tìm kiếm những tàu vận chuyển dầu thô có mức giá hợp lý. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét mua dầu thô Ural. Nguồn tin thân cận cho biết thêm, các thùng dầu Ural được những doanh nghiệp chế biến thuộc nhà nước sẽ được giao vào tháng 6.

Việc mua bán dầu của Nga hầu như đều bị các doanh nghiệp né tránh sau mâu thuẫn với Ukraine. Những bên mua và bán có thiện chí phải thực hiện những cuộc đàm phán kín sau khi một số cuộc đấu thầu kết thúc mà không ai mua. Shell Plc gần đây đã hứng chịu chỉ trích nặng nề vì thông báo mua dầu thô Ural không lâu sau khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu.

Một loại dầu thô khác của Nga – Sokol, cũng chuẩn bị được vận chuyển sang Ấn Độ. Theo các trader này, Indian Oil Corp. và Hindustan Petroleum Corp. do nhà nước sở hữu đã mua một lượng dầu Sokol được giao vào tháng 5 từ ONGC Videsh Ltd. – một cổ đông của dự án Sakhalin-I. Các lô hàng dầu sẽ được giao từ nhà ga De-Kastri.

Sakhalin Oil and Gas Development Co. của Nhật Bản – được biết với tên SODECO, cũng có cổ phần trong Sakhalin-I song từ chối bình luận về hoạt động xuất khẩu dầu thô Sokol trong tương lai của mình. Các trader tiết lộ, một số người mua ở Bắc Á có khả năng sẽ nhận các đơn hàng đầu đã đặt vào tháng 5.

Cho đến nay, Ấn Độ đã mua ít nhát 13 triệu thùng dầu Ural kể từ cuối tháng 2, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Indian Oil đã mua thêm 3 triệu thùng trong lần đấu thầu gần đây nhất. Bloomberg ước tính dựa trên dữ liệu theo dõi tài cho thấy, sản lượng dầu của Nga được vận chuyển đến quốc gia này đạt trung bình khoảng 128.000/tấn mỗi tháng vào năm 2021. Dầu Ural được vận chuyển từ các cảng ở Baltic và Biển Đen.

Dầu thô giá rẻ của Nga

Những ngày vừa qua, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến dầu thô Nga “thất sủng”. Dầu thô Urals của Nga hiện đang được giao dịch với mức chiết khấu 30 USD so với các loại dầu thô khác. Ngay cả việc Trung Quốc và Ấn Độ tăng mua dầu thô Nga cũng không giúp giá bán được cải thiện.

Petro-Logistics, một công ty phân tích chuyên theo dõi các tàu chở dầu, cho biết” “Xuất khẩu dầu thô đường biển của Nga trong tháng 3 đã tăng so với các tháng trước. Có một số tàu chở dầu đã cập cảng sau khi phương Tây công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow”.

Giá năng lượng tăng cao có thể khiến nhiều hộ gia đình ở châu Âu rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng Moscow có thể đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách cắt giảm sản lượng, dù điều đó cũng gây ảnh hưởng tới tài chính cho Moscow. Nga xuất sang châu Âu khoảng 250 triệu euro năng lượng mỗi ngày.

Bắt đầu từ tháng tới, Nga có thể giảm sản lượng tới 3 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Moscow.

IEA cho biết trong một báo cáo: “Với khả năng nguồn cung mất đi một lượng lớn từ dầu mỏ Nga, thị trường có thể trở nên khó khăn hơn nữa và giá đầu leo thang đáng kể trong những tháng tới khi nhu cầu của thế giới bước vào mùa cao điểm tháng 7 và tháng 8”.

Nếu thế giới quay lưng hơn nữa với Nga và các sản phẩm của nước này, sự thiếu hụt có thể trở nên tồi tệ hơn. Và đây không phải lo lắng thái quá. Cuối tuần trước, 3 nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu lớn nhất thế giới đã bắt đầu cắt đứt quan hệ với Nga và nếu không có họ, Moscow sẽ gặp khó trong việc duy trì sản lượng khai thác.

Báo cáo của IEA cũng chỉ ra những cách nhằm giảm nhu cầu với dầu, chẳng hạn như ưu tiên sử dụng tàu hỏa thay vì máy bay, khuyến khích người lao động làm việc tại nhà… nhằm tạo thời gian cho các chính phủ tìm được nguồn cung thay thế từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế tin rằng nếu các biện pháp họ đưa ra được thực hiện đồng thời ở toàn bộ 31 nước thành viên, hầu hết là các quốc gia châu Âu, họ có thể tiết kiệm được 2,7 triệu thùng dầu vào mùa hè này. Tuần này, IEA cũng sẽ triệu tập cuộc họp của các quan chức năng lượng các nước thành viên nhằm điều phối phản ứng của họ.

Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của Nga nên bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào dầu thô cũng sẽ gây tổn hại lớn cho Moscow. Phương Tây biết rõ điều này nhưng có quá nhiều rủi ro khi họ ngay lập tức đoạn tuyệt với dầu Nga.

Châu Á, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, chính là khách hàng tiềm năng của Moscow. Ngoài ra, việc quay lưng với dầu mỏ của Nga cũng có thể khiến Moscow khóa van khí đốt, đẩy châu Âu và một cuộc khủng hoảng toàn diện, thậm chí là suy thoái.