Kinh tế toàn cầu có thể mất 5,6 nghìn tỷ USD do khí hậu cực đoan

Những đợt hạn hán tồi tệ hơn, các cơn bão và mưa cực đoan ở một số nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây thiệt hại 5,6 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.

Một khu dân cư bị bao phủ trong nước lũ sau trận mưa lớn ở Chehalis, Washington, Mỹ, hôm 7/1/2022. (Ảnh: REUTERS)

Đánh giá này được Công ty tư vấn môi trường và kỹ thuật GHD (có trụ sở tại Mỹ, thành lập từ 1928) đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 29/8.

Năm nay, mưa lớn đã gây ra lũ lụt làm ngập lụt các thành phố ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời làm gián đoạn nguồn cung cấp nước và điện ở Ấn Độ, trong khi hạn hán khiến mùa màng của nông dân trên khắp châu Âu gặp rủi ro.

Những thảm họa như vậy đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế hàng trăm tỷ USD. Theo Cơ sở dữ liệu về các sự kiện khẩn cấp do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Thảm họa có trụ sở tại Brussels, Bỉ, các trận hạn hán, lũ lụt và bão lụt năm ngoái đã dẫn đến thiệt hại toàn cầu hơn 224 tỷ USD.

Nhưng khi biến đổi khí hậu thúc đẩy lượng mưa dữ dội hơn, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ tới, những chi phí này sẽ tăng cao, báo cáo GHD cảnh báo.

Ông Don Holland, lãnh đạo chương trình thị trường nước Canada của GHD, cho biết: “Nước – khi có quá nhiều hoặc quá ít – đều có thể là lực tàn phá nặng nề nhất mà một cộng đồng có thể trải qua”.

GHD đã đánh giá rủi ro về nước ở 7 quốc gia đại diện cho các điều kiện kinh tế và khí hậu khác nhau: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Australia.

Sử dụng dữ liệu bảo hiểm toàn cầu và các nghiên cứu khoa học về cách các sự kiện cực đoan có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau, nhóm nghiên cứu ước tính số tổn thất mà các quốc gia phải đối mặt về chi phí trước mắt cũng như đối với nền kinh tế nói chung.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thiệt hại có thể lên tới 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2050, với tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ giảm khoảng 0,5% mỗi năm cho đến năm 2050. Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế khoảng 1,1 nghìn tỷ USD vào giữa thế kỷ này.

Trong số 5 lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, sản xuất và phân phối sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa lên tới 4,2 nghìn tỷ USD do khan hiếm nước làm gián đoạn sản xuất trong khi bão và lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng và kho hàng lưu trữ.

Ngành nông nghiệp, dễ bị ảnh hưởng bởi cả hạn hán và mưa lớn, có thể bị thiệt hại 332 tỷ USD vào năm 2050. Các ngành khác đang đối mặt với những thách thức lớn là bán lẻ, ngân hàng và năng lượng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay ở Davos, Thụy Sĩ, một nhóm chuyên gia toàn cầu đã thành lập một ủy ban mới để nghiên cứu tính kinh tế của nước nhằm tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về quản lý nước.

Đồng chủ tịch ủy ban Tharman Shanmugaratnam, ông Tharman Shanmugaratnam, nhấn mạnh, “phải cùng nhau chuyển đổi cách quản lý nước và khí hậu, dù chi phí để làm như vậy không phải là nhỏ, nhưng nếu so với tổn thất do thời tiết khắc nghiệt đưa lại thì chúng rất thấp”.