Thách thức “bẫy hội nhập”

ThienNhien.Net – “Với việc mở cửa hết cỡ, Việt Nam đang đứng trước “bẫy hội nhập” rất lớn, nếu không biết cải cách để tận dụng các cơ hội do hội nhập đưa lại nhằm thúc đẩy nền kinh tế đi lên thì Việt Nam sẽ chỉ còn lại các khó khăn, thách thức bủa vây”.

TS Tạ Đình Xuyên – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) đã nhận định như vậy khi ông trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN về những vận hội của nền kinh tế trong năm 2016.

Thưa ông, năm 2015 đã đi qua, nhìn lại nền kinh tế ông thấy được gì và điều gì còn quan ngại?

Người dân chọn mua hoa quả nhập khẩu tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội (Ảnh: Đàm Duy)
Người dân chọn mua hoa quả nhập khẩu tại siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội (Ảnh: Đàm Duy)

– Có thể nói, năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ kịp thời có biện pháp ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, Việt Nam đã tận dụng được lợi thế và cơ hội để phát triển. Thực tế, chúng ta bắt đầu năm 2015 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ 6,2% với bộn bề khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, như sự trồi sụt của kinh tế Trung Quốc, giá dầu giảm mạnh… Bởi vậy, khi mức tăng trưởng 6,03% của quý I/2015 được công bố, dư luận không khỏi ngỡ ngàng.

Tuy nhiên, sự quan ngại là vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế năm qua còn thiếu bền vững. Cụ thể là nhập siêu còn cao; lạm phát thấp nhưng lãi suất không giảm được nhiều; chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt đã gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp. Việc bội chi ngân sách cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn, nợ xấu chưa thể xử lý nhanh… cũng là những thách thức lớn còn lại và kéo dài sang đến năm 2016 này.

Nói đến kinh tế năm qua không thể không nói đến sự hội nhập vì đây là năm Việt Nam đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn trong khu vực và trên thế giới. Những thách thức, quan ngại như ông nói sẽ tác động như thế nào tới tiến trình hội nhập và phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2016 cũng như mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%?

-Năm 2015 chúng ta đàm phán, ký kết, tham gia tới 15 hiệp định thương mại cả song phương và đa phương (ký kết 10 hiệp định thương mại tự do FTA và đang tiếp tục đàm phán 5 FTA khác), có thể nói là con số kỷ lục. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa hội nhập rất rõ và “hết cỡ”.

Trong năm 2016, nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được dự báo kiểm soát ở mức thấp và tương đối ổn định là điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Sự hồi phục của sản xuất công nghiệp cũng như của khu vực doanh nghiệp trong nước nhờ những thuận lợi từ các FTA mang lại, sức mua và tổng cầu trong nước tăng, tăng trưởng của đầu tư cũng như sự bứt phá của khu vực FDI sẽ là những động lực cho tăng trưởng kinh tế cho năm 2016.

Song như tôi đã nói, chúng ta sẽ phải  nỗ lực rất nhiều bởi dù Chính phủ đã cải thiện đáng kể thể chế và thủ tục hành chính phù hợp với tiến trình cam kết hội nhập nhưng môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục. Sự tham ô, lãng phí, nhiêu khê, rườm rà trên nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn còn nặng nề và sự chuẩn bị của các doanh nghiệp để sẵn sàng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới còn nhiều bất cập, yếu kém. Môi trường kinh doanh dù tăng 3 bậc nhưng khâu thực thi pháp luật, hành chính vẫn còn nhiều cản trở tới doanh nghiệp, người dân. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa thiếu vừa yếu…

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đề cập đến “bẫy hội nhập”. Những gì chúng ta đã nhìn thấy ở bẫy hội nhập cụ thể ở đây là như thế nào, thưa ông?

010116_hoinhap2“Sức ép của hội nhập có thể nói đã gõ cửa từng gia đình rồi. Chúng ta đã nhìn thấy sản phẩm thịt gà, thịt bò của nước ngoài đang cạnh tranh như thế nào với sản phẩm nội địa. Tôi rất lo nếu không tận dụng và đối phó tốt thì nền kinh tế sẽ có những ảnh hưởng nhất định”.

TS Tạ Đình Xuyên

– Đó là khả năng tận dụng cơ hội hội nhập của nền kinh tế đang ngày càng trở nên hạn hẹp.

Tôi chỉ ví dụ, với ngành chăn nuôi trong nước hiện nay ai cũng nhận thấy manh mún, có chi phí cao, năng suất thấp. Chưa kể, với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất bảo quản, dư lượng kháng sinh, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi chưa kiểm soát được của ta hiện nay có thể nhìn thấy rõ khả năng gần như sẽ không tận dụng được gì khi hội nhập…

Tận dụng cơ hội khó như vậy, nhưng ở trong nước các doanh nghiệp lại bị cạnh tranh mạnh mẽ từ bên ngoài vào do tác động của hội nhập. Sức ép của hội nhập có thể nói đã gõ cửa từng gia đình rồi. Chúng ta đã nhìn thấy sản phẩm thịt gà, thịt bò của nước ngoài đang cạnh tranh như thế nào với sản phẩm nội địa.

Tôi rất lo ngại có thể tới đây, đến rau chúng ta cũng ăn của Peru hay Chile nếu rau của chúng ta cứ sản xuất không an toàn như hiện nay. Và khi nền kinh tế không tận dụng được cơ hội thì sẽ chỉ còn lại thách thức, điều này có thể nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp mất thị trường ngay trong nước với các làn sóng phá sản và việc có phục hồi lại được hay không còn phải phụ thuộc vào điều hành của nền kinh tế, nhận thức của từng doanh nghiệp, người kinh doanh…

Xin cảm ơn ông!