Nạn buôn bán trái phép đe dọa loài đười ươi Sumatra

ThienNhien.Net – Báo cáo mới Đánh giá về tình trạng buôn bán trái phép loài vượn và đười ươi trên đảo Sumatra, Indonexia của Mạng lưới Giám sát hoạt động Buôn bán Động vật hoang dã (TRAFFIC) cho thấy sự thiếu cưỡng chế thi hành luật chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Indonexia đã gây nên mối đe doạ đối với sự sinh tồn của loài đười ươi và vượn ở Sumatra.

TRAFFIC cho biết, mặc dù công tác bảo tồn động vật hoang dã được đầu tư đáng kể, nhưng các quần thể đười ươi vẫn bị đe doạ ở mức độ nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động buôn bán trái phép làm vật nuôi, đã vượt quá con số của những năm 1970. Đây được cho là hậu quả của việc thiếu tính ràng buộc đầy đủ trong thực thi pháp luật của Indonexia.

Số lượng đười ươi và vượn được đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm cứu hộ Indonexia gia tăng là dấu hiệu cho thấy rất nhiều loài động vật đã bị bắt giữ bất hợp pháp. Trong khi đó, các loài động vật hoang dã tiếp tục bị suy giảm số lượng trong tự nhiên, ước tính gần đây nhất là chỉ có khoảng 7.300 con đười ươi Sumatra còn sống sót.

Cân nặng của đười ươi có thể lên tới khoảng 90kg và chiều cao đạt 1.5m vì thế sau khi đã trở nên quá già và quá lớn để được nuôi dưỡng như các loài thú cảnh trong nhà, nó bị đưa vào các trung tâm. Tuy nhiên, những người sở hữu loài khỉ hình nhân màu nâu đỏ này không phải đối mặt với bất kỳ sự trừng phạt nào từ phía luật pháp Indonexia.

Ông Chris R Shepherd, quyền giám đốc của TRAFFIC tại khu vực Đông Nam Á đã phát biểu: “Chỉ thu giữ thú mà không truy tố người sở hữu trước pháp luật thì vô ích. Không có sự ngăn chặn như bỏ tù đối với những hành vi phi pháp này, điều đó có nghĩa những con thú sẽ còn tiếp tục bị hành hạ. Indonexia có đầy đủ các điều luật nhưng lại không có hình phạt nào thực sự nghiêm khắc, do đó việc buôn bán trái phép động vật sẽ còn tiếp diễn, đồng nghĩa với số lượng các loài sẽ còn bị suy giảm dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng một cách nhanh chóng.”

Ước tính có khoảng 2.000 con đười ươi đã bị bắt và bị bán cho các chủ sở hữu ở Indonexia trong 3 thập niên gần đây, nhưng có rất ít người bị truy tố trước pháp luật.

Từ giữa năm 2002 đến 2008, Trung tâm cứu hộ Sibolangit mới được thành lập ở Sumatra đã thu nhận 142 con đười ươi Sumatra, trong khi đó tiền thân của nó – Trung tâm cứu hộ Bohorok – chỉ thu nhận 30 con từ giữa năm 1995 đến năm 2001 (khi nó bị đóng cửa), và 105 con đười ươi từ năm 1973 đến năm 1979.

Ông Vincent Nijman, cố vấn của TRAFFIC đồng thời là tác giả của bản báo cáo phát biểu: “Khi các trung tâm cứu hộ đầu tiên được thành lập dành cho loài đười ươi và sau này cho cả loài vượn, chúng tôi đã hy vọng rằng cùng với việc tiếp tục thu giữ đười ươi, số lượng các vụ mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã sẽ giảm xuống. Nhưng với hàng trăm con đười ươi và vượn hiện đang có mặt tại các trung tâm cộng với hàng chục con được đưa thêm vào mỗi năm, thật khó để kết luận bất kỳ điều gì khác ngoài một lời buộc tội đối với những nỗ lực thi hành luật pháp từ phía chính phủ Indonexia”.

Bản báo cáo cũng cung cấp tài liệu về 148 con vượn cùng 26 con đười ươi Sumatran hiện được bảo tồn tại vườn thú Indonexia.

Theo ông Elliott Wendy, giám đốc điều hành hoạt động quản lý loài của WWF thì việc thực thi các điều luật bảo vệ loài đười ươi là rất cấp thiết ở Indonexia. Bởi nếu như tình trạng bắt giữ trái phép còn tiếp diễn, loài đười ươi Sumatra sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Bản báo cáo đề nghị xem xét lại các động cơ chủ yếu của việc buôn bán bất hợp pháp để từ đó tạo ra các điều luật có giá trị thực thi tốt hơn nhằm bảo vệ loài đười ươi, vượn cùng với các loài động vật hoang dã khác đang sống trên đảo Sumatra.

Động vật hoang dã trên đảo Sumatra cũng đang bị đe doạ mất môi trường sống do tình trạng phá rừng, chuyển đổi đất sử dụng, sự xâm lấn đất tự nhiên phục vụ cho các mục đích khác và tình trạng cháy rừng.

“Đánh giá về tình trạng buôn bán trái phép loài vượn và đười ươi trên đảo Sumatra, Indonexia” là bản báo cáo đầu tiên của TRAFFIC xem xét hoạt động buôn bán loài khỉ hình nhân ở Sumatra. Đây là bước tiếp theo của các bản báo cáo công bố năm 2005 về hoạt động buôn bán trái phép ở Kalimanttan: “Duy trì cân bằng sinh thái: Đánh giá về tình trạng buôn bán loài đười ươi và vượn ở Kalimantan”; “Indonexia với các đảo Java và Bali: Đánh giá về tình trạng buôn bán trái phép các loài vượn và đười ươi trên đảo Java và Bali, Indonexia.”