Indonesia: Bắt quả tang quan chức buôn bán da và xương hổ Sumatra

Các nhà chức trách Indonesia vừa buộc tội ba cá nhân, trong đó có một lãnh đạo chính quyền địa phương ở Sumatra vì buôn bán các bộ phận của một con hổ Sumatra – loài động vật hoang dã cực kỳ nguy cấp đang được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, việc thủ phạm được thả ngay sau khi bị bắt để chời điều tra đã khiến các nhà hoạt động môi trường phản đối kịch liệt.

Ahmadi, 41 tuổi – cựu lãnh đạo huyện Bener Meria, tỉnh Aceh, Indonesia đã bị cảnh sát tỉnh bắt giữ cùng với hai đồng phạm khi đang giao dịch bán da và xương của một con hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae).

Theo ước tính, số lượng hổ Sumatra trong tự nhiên chỉ còn ít hơn 400 cá thể, được bảo vệ theo Đạo luật Bảo tồn của Indonesia. Việc săn bắt, phân phối và buôn bán bất hợp pháp bất kỳ loài động vật được bảo vệ nào, kể cả các bộ phận của chúng đều có thể bị phạt tới 5 năm tù và tiền phạt lên đến 7.000 USD.

Ông Rasio Ridho Sani, Giám đốc thực thi pháp luật của Bộ Môi trường Indonesia, cho biết khẳng định trong cuộc họp báo ngày 3 tháng 6 rằng: “Những thủ phạm phải bị trừng phạt ở mức cao nhất. Buôn bán trái phép động vật hoang dã là một tội ác nghiêm trọng.”

Các nhà chức trách Indonesia đã buộc tội ba người đàn ông, trong đó có một lãnh đạo địa phương về hành vi buôn bán trái phép các bộ phận cơ thể hổ Sumatra. (Ảnh: Junaidi Hanafiah)

Ahmadi được thả ngay sau khi bị bắt khiến nhiều nhà hoạt động bảo tồn phản đối kịch liệt. Cảnh sát nói rằng không có lý do gì để giam giữ Ahmadi trong thời gian chờ điều tra và sẽ yêu cầu ông ta báo cáo thường xuyên. Trước đó, năm 2018, Ahmadi từng bị kết án 3 năm tù năm 2018 vì tội tham nhũng.

Các nhà quan sát cho rằng hình thức xử lý này là minh chứng điển hình cho một trong những vấn đề gốc rễ của vấn nạn buôn bán động vật hoang dã ở Indonesia: thủ phạm có xu hướng là những nhân vật có ảnh hưởng như chính trị gia và sĩ quan quân đội. Bất chấp thời hạn tù và tiền phạt được quy định trong Đạo luật Bảo tồn, tội phạm thường hiếm khi bị truy tố. Trong một số ít trường hợp, họ thường nhận được phán quyết nhẹ hơn nhiều so với mức cao nhất. Cách xử phạt này không thể tạo ra hiệu ứng răn đe, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã.

Tỉnh Aceh nằm ở phía bắc Sumatra, là nơi sinh sống của khoảng một nửa số lượng hổ Sumatra trên toàn thế giới. Nhiều loài trong số chúng được tìm thấy trong Hệ sinh thái Leuser – nơi duy nhất trên Trái đất có hổ, tê giác, đười ươi và voi vẫn cùng tồn tại.

Từ những năm 1980, hổ Sumatra đã bị đẩy đến bên bờ tuyệt chủng vì mất môi trường sống nghiêm trọng do hoạt động khai thác gỗ, trồng cọ dầu và nạn săn trộm. Suy giảm quần thể trong tự nhiên khiến hổ Sumatra được xếp vào danh sách loài Cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN. Hai loài hổ đặc hữu khác của Indonesia là hổ Bali (Panthera tigris balica) và hổ Java (Panthera tigris sondaica) đã tuyệt chủng vào thế kỷ 20. Điều đó khiến việc bảo tồn loài hổ Sumatra trở thành trọng tâm của Chính phủ Indonesia và các nhà bảo tồn động vật hoang dã. Hiện không còn một quần thể hổ Sumatra nào có lớn hơn 50 cá thể.

“Sự tuyệt chủng của hổ Sumatra sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái rừng.” – Ông Ridho khẳng định trước báo giới.

Các nghi phạm bị bắt khi đang mua bán da và xương hổ. (Ảnh: Junaidi Hanafiah)
Ở Indonesia, săn bắt, phân phối và buôn bán bất hợp pháp bất kỳ loài động vật được bảo vệ nào, kể cả các bộ phận của chúng đều có thể bị phạt tới 5 năm tù và tiền phạt lên đến 7.000 USD. (Ảnh: Junaidi Hanafiah)

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Nguồn: