Tê giác Sumatra có thêm “nhà” mới

Các cơ quan bảo tồn Indonesia đang bắt tay vào việc xây dựng khu bảo tồn mới cho tê giác Sumatra trong Hệ sinh thái Leuser ở phía Bắc đảo Sumatra. Đây là cơ sở thứ ba trong mạng lưới các Khu bảo tồn tê giác Sumatra (SRS) cùng với Way Kambas SRS ở miền Nam Sumatra và Kelian SRS ở đảo Borneo.

SRS ở Leuser sẽ trải dài khoảng 130 ha trong một hệ sinh thái duy nhất trên trái đất có đồng thời cả tê giác, hổ, đười ươi và voi sinh sống. Các hạng mục đầu tiên của quá trình xây dựng bao gồm 4 bãi tập, 01 hàng rào cố định, 01 lán trại cho đội ngũ chăm sóc, dự kiến hoàn thành vào tháng 3 năm sau. Ít nhất 5 cá thể tê giác sẽ bị bắt từ tự nhiên và chuyển đến khu bảo tồn mới, nơi chúng là một phần của chương trình nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt và ngăn chặn sự tuyệt chủng của tê giác trong tự nhiên.

Lễ khởi công Khu bảo tồn tê giác Sumatra mới trong Hệ sinh thái Leuser. Hình ảnh: Leuser Conservation Forum (FKL).

Từ năm 2017, các chuyên gia về tê giác trên khắp thế giới đều cho rằng nuôi nhốt tê giác Sumatra từ cả Sumatra và Borneo là lựa chọn khả thi duy nhất để cứu loài này. Chúng từng có mặt trên khắp Nam và Đông Nam Á, từ dãy Himalaya ở Bhutan và Ấn Độ đến miền nam Trung Quốc rồi xuống bán đảo Mã Lai, nhưng săn trộm, mất môi trường sống và gần đây là tỷ lệ sinh thấp đã khiến quần thể loài suy giảm mạnh. Trước đó, từ những năm 1980, Indonesia đã khởi động chương trình bắt tê giác Sumatra từ tự nhiên để nhân giống, tiếc là chương trình thất bại thảm hại sau một thập kỷ triển khai với hơn một nửa số động vật chết mà không có con non nào được sinh ra. Về sau, một loạt trường hợp gây nuôi sinh sản thành công ở Hoa Kỳ và Indonesia đã thúc đẩy trở lại nỗ lực nhân giống tê giác.

Tê giác Sumatra ở Indonesia. Hình ảnh: Rhett A. Butler / Mongabay.

Hiện chương trình nhân giống nuôi nhốt của Indonesia có 8 cá thể tê giác Sumatra trong hai khu bảo tồn: 7 ở Way Kambas SRS và 01 cá thể ở Kelian SRS. Hệ sinh thái Leuser được kỳ vọng là môi trường hứa hẹn nhất vì có tới 12 cá thể tê giác hoang dã sinh sống (trong tổng số 30 – 80 cá thể tê giác Sumatra còn lại). Dù vậy, các nhà bảo tồn vẫn hiểu rất ít về khu vực miền núi và tỷ lệ săn trộm ở đây được cho là cao hơn những nơi khác.

Việc xây thêm nhà mới cho tê giác cũng như tăng sức chứa các khu bảo tồn hiện có từng được nêu rõ trong một nghị định do Bộ trưởng Môi trường ban hành từ tháng 12/2018, trong đó, việc hình thành khu bảo tồn ở Leuser sẽ góp phần bảo vệ toàn diện cảnh quan sinh thái lớn hơn, nơi mà các nhà bảo tồn cảnh báo đang phải đối mặt với mối đe dọa chính từ các dự án phát triển đường bộ.

Ý Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: