Rừng ôn đới lá rộng Himalaya

ThienNhien.Net – Dọc theo dãy Himalaya có 4 đơn vị sinh thái được phát hiện bao gồm các hình thái môi trường sống khác nhau từ vùng thấp cho đến đỉnh Alpơ. Để khoanh vùng các hệ sinh thái đặc trưng, các nhà khoa học đã sử dụng bản đồ số của MacKinnon về sự phân bố các loài thực vật nguyên sơ nhằm vạch ra biên giới của các vùng rừng cận nhiệt đới chạy dọc theo hướng Đông và trung tâm Himalaya, bên cạnh các đồng cỏ Savan, rừng rộng lá ôn đới Terai và Duar. Các khu rừng này sau đó chính thức có tên Rừng ôn đới lá rộng Himalaya.



Vùng sinh thái rừng lá rộng ôn đới Himalaya, dọc từ Đông sang Tây có nhiều hình thái rừng khác nhau do sự thay đổi về độ ẩm, bao gồm rừng cây bụi Dodonea, rừng thường xanh khô ôn đớiOlea cuspidata, rừng khô rụng lá ở phía bắc, rừng khô Shorea robusta, rừng ẩm rụng lá, rừng ẩm lá rộng cận nhiệt đới, rừng bán xanh nhiệt đới phía bắc và rừng ẩm thường xanh nhiệt đới phía Bắc.
 
Vùng sinh thái này là mắt xích quan trọng trong chuỗi hệ sinh thái liên kết Himalaya, chạy dài từ đồng cỏ Terai và Duar ở dưới chân đồi cho tới những đồng cỏ trên đỉnh dãy Anpơ – dãy núi cao nhất thế giới. Một số loài chim và các loài động vật có vú tại Himalaya thường di trú theo mùa ở những độ cao khác nhau, phụ thuộc vào môi trường sống xung quanh. Do đó, các hoạt động bảo tồn ở Himalaya đặc biệt chú ý tới tính liên kết giữa các môi trường sống bởi lẽ sự suy giảm hay biến mất của một loại hình sinh thái nhất định trong chuỗi liên kết sẽ phá vỡ chu trình sinh thái quan trọng này.
 
Vị trí địa lý và miêu tả khái quát
 
Vùng sinh thái gồm nhiều khu rừng ôn đới lá rộng chạy từ đông sang tây dọc theo hai dãy Siwaliks và Outer Himalaya với độ cao tương ứng 500 và 1000m. Khu vực đồi trung tâm Nepal có mật độ rừng bao phủ cao nhất, nhưng vùng sinh thái này hẹp và kéo dài tới Darjeeling vào Butan và bang Uttar Pradesh của Ấn độ. Dòng sông Kali Gandaki với thung lũng sông sâu nhất thế giới đi qua dãy Himalaya chia cắt vùng sinh thái này làm đôi.
 
Dãy Himalaya hình thành từ biển Tethys cổ khi cao nguyên Deccan va phải lục địa Âu Á vào khoảng 50 triệu năm trước, đẩy phần phía dưới lên cao hình thành nên dãy núi cao nhất thế giới. Hiện nay, Himalaya bao gồm 3 khu vực chính chạy song song theo hướng Đông Tây: Ở phần ngoài cùng phía nam Hymalaya có đồi Siwaliks, khu trung tâm Himalaya với nhiều đỉnh núi và thung lũng cao, và khu vực chính giữa Himalaya với những đỉnh núi cao nhất thế giới. Đồi Siwalik là cái nôi của vùng sinh thái này, được hình thành do phù sa của các con sông chảy qua tích tụ trong nhiều năm.
 
Lượng mưa rất khác nhau giữa sườn đông và sườn tây, tuy nhiên lượng mưa trung bình ở đây cũng lên tới 2000mm. Himalaya thu độ ẩm của các đợt gió mùa thổi qua vịnh Bengal, và mưa chủ yếu tập trung tại sườn Đông Himalaya. Do vậy, khu vực sườn Tây Himalaya khô hạn hơn, thể hiện ở chiều cao của cây gỗ. Cây ở sườn Đông cao tới 4000m trong khi cây ở sườn Tây chỉ cao 3000m.
 
Rừng trong vùng sinh thái rất giàu đa dạng sinh học. Hình thái rừng khác nhau do chịu ảnh hưởng của khí hậu cận nhiệt đới, địa hình phức tạp, đất đá màu mỡ, độ ẩm cao, và ảnh hưởng kết hợp giữa 2 khu vực Indo – Malayan và Palearctic.
 
Cây trong rừng thường có độ cao lên tới 30m, tuy nhiên ở khu vực có điều kiện thuận lợi chúng có thể đạt tới chiều cao 50m. Vòm cây cao nhất có mật độ thưa hơn tầng rừng nhiệt đới thường xanh, còn các cây ở tầng giữa và lớp cây bụi thì phổ biến hơn. Rừng không có cỏ nhưng cây thảo mộc lại rất phát triển. Các loài chim và các thực vật biểu sinh rất phổ biến trong rừng.
 
Sự đa dạng và phong phú của các cây gỗ tăng lên từ phía đông sang tây. Bên chân núi Tây Himachal Pradesh và Uttar Predesh, cộng đồng thực vật ở đây đặc trưng bởi các loài Shorea robusta, Terminalia tomentosa, Anogeissus latifolia, Mallotus philippinensis, Olea cuspidata, Bauhinia restusa, và Bauhinia variegata.  Bên chân núi Tây các loài tiêu biểu là Schima wallichii, Castanopsis tribuloides, C. indica, Terminalia crenulata, Terminalia bellerica, Engelhardtia spicata, Betula spp. Anogeissus spp. Ở khu vực Đông Nepal, các loài Engelhardtia spicata, Erythrina spp. và Albizia spp. là những thành phần quan trọng hình thành nên cộng đồng rừng cận nhiệt đới. Alnus nepalensis là một loài phát triển khá mạnh bao phủ trên một khu vực rộng lớn và chiếm thế độc tôn. Rất nhiều loài cây khác trong rừng lá rộng như Gnetum montanus, Cycas pectinata, Cyathea spinulosa Rauwolfia serpentina, Pandanus nepalensis, Calamus lalifolius, C. leptospadix, Phoenix humilis Phoenix sylvestris hiện đang trở nên rất quý hiếm tại Nepal.
 
Đặc tính đa dạng sinh học
 
Vùng sinh thái rừng lá rộng ôn đớiHimalaya là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Himalaya, tại đây, mối quan hệ về độ cao giữa các loại hình sinh thái ở các vùng sinh thái khác nhau là rất quan trọng đối với hệ sinh thái. Bên cạnh chức năng quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái, các loại hình sinh thái đó còn là môi trường sống quan trọng của các loài động vật bị đe dọa cần bảo tồn.
 Loài khỉ vàng đặc hữu quý hiếm (Semnopithecus geei) phân bố tập trung tại khu vực phía bắc rừng rộng lá sông Brahmaputra. Chúng sống tại khu rừng này và các rừng rộng lá Đông Himalaya xung quanh.
 
Một số các loài động vật có vú khác đang bị đe dọa, bao gồm hổ (Panthera tigris), voi Đông Nam Á (Elephas maximus), khỉ lông vàng, rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata), báo mây (Pardofelis nebulosa), bò tót (Bos gaurus), sơn dương (Capricornis sumatraensis), sóc Irrawaddy (Callosciurus pygerythrus), sóc nhiều màu (Hylopetes alboniger).  

Gà so ngực nâu dẻ (Arborophila mandellii) có mặt ở một số rừng khác thuộc vùng sinh thái Đông Himalaya (rừng lá rộng Đông Himalaya, rừng bách cận Alpơ Himalaya, và rừng thông bán nhiệt đới Himalaya) nhưng chỉ có rất ít ở khu vực sinh thái này. Hiện nay trong khu vực này, loài ngan cánh trắng (Carina scutulata) và 5 loài chim mỏ sừng khác đang bị đặt trong tình trạng đe dọa trên toàn cầu.
 
Hiện trạng và các mối đe dọa
 
Trên 70% rừng tự nhiên tại vùng sinh thái Himalaya đã bị mất hoặc bị xuống cấp. Hoạt động trồng trọt đặc biệt phát triển ở thung lũng màu mỡ của các con sông lớn như Karnali, Babai, và Rapti và ở vùng đồng bằng giữa sông Trisuli và Kali Gandaki. Nhưng hầu hết cây rừng cao trên 1000m vẫn còn nguyên do lớp đất nông và bị xói mòn không thích hợp cho việc trồng trọt.
 
Tám khu vực được bảo vệ nằm trong khu vực sinh thái này bao gồm Khu bảo tồn Sohagabarwa, Valmikinagar, Công viên quốc gia Royal Bardia, Khu bảo tồn động vật hoang dã Parsa, Khu bảo tồn Khaling/Neoli, Phibsoo và Vườn quốc gia Royal Manas có tổng diện tích chỉ khoảng 2700 km2, chiếm 7% diện tích của cả khu vực. Một vài khu vực được bảo vệ, đặc biệt như công viên quốc gia Royal Manas, Royal Chitwan, Royal Bardia, và  khu bảo tồn Valmikigar rất quan trọng cho các loài động vật có xương sống lớn (hổ, voi châu Á, báo vằn và chim mỏ sừng), có thể xem như các loài động vật bảo vệ sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái.
 
Mặc dù gần như tất cả khu vực được bảo tồn chưa chiếm tới 500 km2 diện tích vùng sinh thái (ngoại trừ Vườn quốc gia Royal Chitwan); các Vườn quốc gia Royal Bardia và Royal Manas còn mở rộng sang cả các khu vực lân cận với diện tích hơn 800 km2. Ba khu vực được bảo tồn khác cũng gối sang các khu vực kế cận.
Mối đe dọa chủ yếu với điều kiện sinh thái trong vùng là việc khai thác gỗ nguyên liệu, chăn thả vật nuôi tập trung, và tục lệ đốt lửa hàng năm của những người chăn nuôi gia súc để các cây non nhanh lớn làm thức ăn cho vật nuôi. Chăn thả gia súc với mật độ dày trong khu vực rừng nguyên sinh đã kìm hãm sự phát triển, đặc biệt là các cây nhỏ kế cận trong tương lai. Do đó, sự ổn định về lâu dài của rừng đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng đã bắt đầu trồng cây và trữ cỏ khô làm thức ăn cho gia súc, và tập quán này đã cải thiện sự suy thoái của môi trường sinh thái.