Thống nhất trong báo cáo quốc tế về rừng và lâm nghiệp

ThienNhien.Net – Các tổ chức và hội nghị quốc tế thường yêu cầu chính phủ các quốc gia cung cấp thông tin thường xuyên và cập nhật về hiện trạng đất rừng và các hoạt động cụ thể đã thực hiện trong chương trình hành động quốc gia cũng như trong các hoạt động liên quan. Rõ ràng, thông tin mà các nước cung cấp rất quan trọng, song nhiều quốc gia gặp khó khăn trong quá trình viết báo cáo vì sự hạn chế trong kỹ thuật và năng lực tài chính, và một phần do sự bất đồng trong việc sử dụng các khái niệm, các định nghĩa liên quan đến lâm nghiệp và phương pháp viết báo cáo. Để khắc phục điều này, Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) đang tích cực giúp các quốc gia và các tổ chức lâm nghiệp tăng cường năng lực đánh giá, quản lý rừng cùng năng lực viết báo cáo. Mục tiêu cơ bản của FAO là đồng nhất các khái niệm và định nghĩa trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng cường mối quan hệ và sự hợp tác giữa các cơ quan chịu trách nhiệm lập báo cáo.

Cuối năm 2008, FAO đã chủ trì một hội thảo quốc tế về tăng cường tính thống nhất trong các báo cáo quốc gia gửi tới Hội nghị Đánh giá Tài nguyên Rừng toàn cầu (FRA) năm 2010 và các hội nghị mang tính quốc tế về lâm nghiệp ở châu Á, với sự tham gia cảu 24 nước châu Á và 5 tổ chức quốc tế khác. Mục tiêu của hội thảo nhằm đơn giản hoá cũng như thống nhất lại các báo cáo cấp quốc gia gửi đến các tổ chức quốc tế, đồng thời cung cấp những trợ giúp về mặt kỹ thuật nhằm giúp các báo cáo quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn mang tính quốc tế của FRA vào 2010.

Nhiều tham luận đã được đưa ra xoay quanh các bước viết báo cáo về lâm nghiệp sao cho đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tiến tới thống nhất các điểm trong báo cáo quốc gia và bước đầu đưa ra các chương mục và tiêu chí cụ thể trong nội dung báo cáo. Các đại biểu cũng đã nêu ra những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân do sự mập mờ của các định nghĩa và thuật ngữ quốc tế. Chính sự thiếu rõ ràng này đã hạn chế năng lực viết báo cáo, làm mất sự thống nhất trong các số liệu báo cáo của các cơ quan và làm giảm tính cộng tác của các cơ quan đó.

Các chuyên gia thống nhất rằng các thiếu sót và phương hướng khắc phục trong quá trình viết báo cáo, bao gồm: sự đánh giá thiếu chính xác về diện tích đất rừng, sự biến động về diện tích theo thời gian; thiếu các công cụ và phương pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện; các khái niệm, định nghĩa và việc phân loại còn chưa rõ ràng; các số liệu thu thập chưa đầy đủ; thiếu sự cộng tác giữa các cơ quan trong quá trình viết báo cáo.

Sự cộng tác giữa các cơ quan liên quan là một nhân tố hết sức quan trọng để đảm bảo chất lượng báo cáo của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, việc đơn giản hoá các khái niệm, định nghĩa và phân loại trong lâm nghiệp cũng rất cần thiết để giúp cho các quốc gia dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện. Các chính phủ đều đồng tình với việc sử dụng các thuật ngữ rõ ràng và áp dụng các công cụ kỹ thuật đã được các cơ quan quốc tế đưa ra .

Thực tế cho thấy các tổ chức khu vực và quốc tế cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thống nhất quy trình viết báo cáo. Ở cấp quy mô toàn cầu, FAO là tổ chức đi đầu trong việc thống nhất các khái niệm sử dụng và phương pháp lập báo cáo với các tổ chức hợp tác trong lâm nghiệp. Ví dụ, FRA 2010 sẽ hoàn thiện tiêu chí về số lượng các chỉ tiêu liên quan đến Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), Công ước đa dạng sinh học (CBD) và Diễn đàn Lâm nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNFF).

Điều này sẽ giúp các quốc gia trong việc viết báo cáo về trữ lượng cacbon trong lâm nghiệp gửi tới Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), đồng thời kết hợp chặt chẽ hơn với các tiêu chuẩn và chỉ tiêu của Tổ chức Gỗ rừng nhiệt đới Quốc tế (ITTO). Ở quy mô khu vực, FRA 2010 cũng sẽ kết hợp chặt chẽ với các tiêu chí và tiêu chuẩn của ASEAN (C&I ASEAN).

Ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, dự án “Tăng cường sự quản lý, đánh giá và viết báo cáo (MRA) trong việc quản lý rừng bền vững (SFM) ở Châu Á”, một dự án của FAO do Nhật bản hỗ trợ tài chính, đã được thành lập để củng cố sự thống nhất và mở rộng việc quản lý, đánh giá và báo cáo về rừng và lâm nghiệp ở cấp quốc gia nhằm tăng cường quản lý rừng bền vững.

Các tổ chức quốc tế được khuyến khích nỗ lực hơn nữa trong việc đưa ra những khái niệm, định nghĩa, phân loại và những tiêu chí phù hợp với các báo cáo quốc tế, đồng thời tăng cường hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính để các quốc gia có thể tiến hành thu thập các số liệu liên quan, và phân tích các hình ảnh được chụp từ vệ tinh.
 
Việc tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan và các tổ chức có liên quan để thúc đẩy sự thống nhất trong việc viết báo cáo liên quan đến lâm nghiệp ở quy mô khu vực và quốc gia cũng là điều rất quan trọng. Muốn cải thiện được năng lực viết báo cáo quốc gia, các nước trong khu vực phải thường xuyên trao đổi thông tin và chuyên gia. Các nước ASEAN cũng đã thống nhất thiết lập một cơ sở dữ liệu chung liên quan đến ngành lâm nghiệp trong khu vực.