Giảm túi nilon trong ngành bán lẻ – Lợi ích ba bên

ThienNhien.Net – “Giảm túi nilon trong ngành bán lẻ vì lợi ích của người tiêu dùng, nhà bán lẻ, người lao động nghèo và môi trường” – đó là thông điệp, cũng là tôn chỉ của dự án hợp tác giữa Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SCC), quỹ Ford, Toyota Việt Nam và Công ty CP XNK Sản phẩm Xanh Việt Nam (VIEXAN), vừa mới được triển khai đầu tháng 03/2009. Với sự mạnh dạn liên kết và gắn quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan vào dự án, các nhà quản lý tỏ ra đầy tin tưởng vào sự thành công chờ đợi phía trước.

Để hiểu rõ thêm về dự án, mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Thành Lưu – Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi khí hậu (SCC), người đã từng chia sẻ quan điểm về Phong cách tiêu dùng xanh với ThienNhien.Net trong dịp Tết Kỷ Sửu.

Xin ông cho biết sau một tháng triển khai, dự án đã có bao nhiêu khách hàng đăng ký tham gia và đạt được kết quả ban đầu như thế nào?

Ông Lưu: Sau khi thông tin về dự án được đăng tải trên một số báo đã có rất nhiều khách hàng bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được tham gia. Hàng trăm khách hàng với thành phần rất đa dạng, từ các bà nội trợ cho tới các nhân viên văn phòng, cán bộ các tổ chức phi chính phủ, cán bộ các cơ quan Nhà nước ở nhiều ngành nghề khác nhau – đã đăng ký trực tiếp qua e-mail hay điện thoại tới SCC. Gần 5.000 khách hàng thân thiết của các siêu thị thành viên dự án cũng sẵn sàng đăng ký tham gia sử dụng túi đa năng thân thiện với môi trường.

Cách tiếp mới của Dự án trong việc thay thế túi nilon:
           
“Cung cấp miễn phí cho mỗi hộ gia đình một túi mua hàng đa năng, bền, tiện dụng và có gắn mã vạch. Các siêu thị/cửa hàng đăng ký tham gia dự án sẽ quét mã vạch mỗi khi khách hàng mang túi đi mua hàng.

Hàng quý hoặc hàng năm, dựa trên thông tin sử dụng túi của từng người và căn cứ vào số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm túi nilon các siêu thị/cửa hàng sẽ dành tối thiểu 50% để trả cho khách hàng dưới dạng giảm giá, phiếu mua hàng hoặc tiền mặt.

Các túi mua hàng được thiết kế thuận tiện cho việc mua sắm hàng ngày, có thể xách tay, khoác vai, đeo sau lưng hoặc gắn trên xe máy. Túi là tài sản của dự án và sẽ bị thu hồi để chuyển cho gia đình khác sử dụng nếu hộ gia đình được cấp túi không hoặc ít sử dụng theo yêu cầu đề ra của dự án”

Mặc dù dự án triển khai từ 01/03/2009 nhưng đến khoảng cuối tháng tư chúng tôi mới cung cấp lô túi đầu tiên cho khách hàng, vì việc sản xuất túi phải trải qua một qui trình khá công phu. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu đặc điểm mua sắm của 200 khách hàng để thu thập các thông số cần thiết phục vụ thiết kế. Phiên bản thiết kế sẽ được khách hàng tham khảo, đóng góp ý kiến và hoàn thiện hơn, tới phiên bản thứ 3 chúng tôi mới bắt đầu sản xuất.

Vừa qua, ngay khi chúng tôi chưa triển khai dự án một số cơ quan báo chí truyền thông đã đưa tin. Có thể nói đây là một trường hợp khá đặc biệt vì tin tức về dự án đã đến với công chúng trước khi dự án chính thức khai trương, nhưng cũng thể hiện một điều là báo chí và người tiêu dùng rất quan tâm đến vấn đề này và đó là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của dự án sau này.

– Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về sự hình thành ý tưởng dự án được không?

Ông Lưu: Thực ra vấn đề thay thế túi nilon đã được đặt ra từ lâu vì ai cũng bức xúc với những tác hại vô cùng lớn của nó đến sức khoẻ và môi trường. Đã có nhiều hướng tiếp cận để giải quyết vấn đề trong đó bao gồm cả việc phát triển túi nilon phân huỷ nhanh.

Theo chúng tôi, cách tiếp cận hoàn hảo phải là từng bước loại bỏ túi nilon ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên đây là một vấn đề khó vì túi nilon rất tiện dụng cho sinh hoạt mua sắm của khách hàng. Ý định làm điều gì đó để thay thế túi nilon vẫn đọng trong tâm trí của chúng tôi cho đến tháng 09/2008 khi đó tôi đang là Tổng Giám đốc Siêu thị 24H. Tình cờ trong  một buổi hội thảo ra mắt mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự về biến đổi khí hậu do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) tổ chức theo lời mời của một người bạn công tác tại Trung tâm bảo tồn sinh vật biển (MCD), tôi bắt gặp và rất tâm đắc với ý kiến cho rằng mọi người, mọi tổ chức gồm cả doanh nghiệp phải “xắn tay” cùng tham gia ứng phó biến đổi khí hậu. Sau cuộc họp thì những phác thảo đầu tiên về dự án đã cơ bản hình thành.

Tôi hoạt động trong ngành bán lẻ nên hiểu khá rõ các yếu tố khuyến khích các siêu thị/cửa hàng – nơi phát ra phần lớn túi nilon – tham gia dự án. Do đó, việc hình thành đề cương dự án rất nhanh, trong khoảng 1 tuần. Ngay tên gọi của dự án cũng đã phản ánh đúng tính chất của dự án, đó là “Giảm túi nilon trong hoạt động bán lẻ vì lợi ích của người tiêu dùng, nhà bán lẻ và môi trường”.

Thường thì chúng ta thấy một dự án nếu có lợi về kinh tế thì hại về môi trường hoặc ngược lại nhưng trong dự án này cả ba chủ thể đều có lợi, đó là một điều rất độc đáo và chúng tôi gọi đó là cách tiếp cận Win – Win – Win hay 3W. Người tiêu dùng có lợi vì vừa có túi mua hàng miễn phí để sử dụng lại vừa được hưởng tới 50% chi phí túi nilon tiết kiệm được, nhà bán lẻ thì giảm được 50% chi phí túi nilon mà lại xây dựng được thương hiệu, có được thêm khách hàng, còn môi trường thì từng bước sẽ được cải thiện vì số túi nilon thải ra giảm đi.

– Ông có thể giới thiệu đôi nét về sản phẩm túi đa năng?

Ông Lưu: Túi mua hàng thân thiện với môi trường, gọi là FSB (Friendly Shopping Bag) được làm bằng vải thô, rất bền, có thể dùng trong 2 – 3 năm, sau đó nếu túi hỏng có thể đổi lại túi mới và dự án sẽ tập trung túi cũ lại để xử lý (tất nhiên nếu điều kiện tài trợ cho phép). Túi được thiết kế tiện lợi cho người sử dụng, có thể xách tay, khoác vai hay kẹp trên xe máy.

Khi không cần dùng có thể gấp gọn như một chiếc áo mưa để treo hoặc cất trong cốp xe máy. Bên trong có các túi nhỏ được thiết kế phù hợp để đựng riêng các nhóm hàng như thịt cá, rau quả, hoá mỹ phẩm. Nếu cần giặt khách hàng chỉ cần tháo riêng túi nhỏ dễ dàng. Túi có 2 cỡ khác nhau để khách hàng tuỳ chọn phù hợp với khối lượng mua sắm của gia đình.

Điểm đặc biệt là trên mỗi túi có gắn một mã vạch lưu trữ thông tin về khách hàng được cấp túi. Mỗi khi khách hàng mang túi đi mua sắm ở siêu thị, nhân viên bán hàng sẽ quét mã vạch để ghi lại thông tin sử dụng túi của khách hàng. Cuối tháng hoặc cuối quý siêu thị sẽ tổng kết và tính toán chi phí túi nilon cắt giảm được và hoàn trả ít nhất 50% cho khách hàng, dưới hình thức phiếu mua hàng, quà tặng, chiết khấu …

– Lợi ích cho các bên thể hiện khá rõ trong cách thức vận hành dự án. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy, khó khăn không nằm ở siêu thị mà ở sự khó thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vốn hay quên và thích sự đơn giản, thuận tiện nhất. Ngoài ra, nhiều người cũng hoài nghi về việc thực hiện cam kết hoàn trả tiền hay phiếu thưởng (coupon) mà siêu thị đưa ra? Ông có coi đây là những khó khăn đối với dự án của mình không?

Ông Lưu: Đúng là thói quen của nhiều người tiêu dùng vẫn còn khá nặng nề nên chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận thận trọng. Đầu tiên chúng tôi chỉ lựa chọn những người tâm huyết với vấn đề thay thế túi nilon để khởi động trước, sau đó sẽ dần dần lan toả ra các nhóm khác. Không cấp túi cho những người chưa sẵn sàng tham gia hoặc không nhiệt tình.

Một vấn đề nữa là không nên cầu toàn theo hướng cứ cấp túi cho khách hàng thì họ phải luôn sử dụng mọi lúc, mọi nơi vì rất có thể một lúc nào đó họ quên túi ở nhà. Hãy suy nghĩ theo cách nếu trước đây 100 lần đi mua hàng họ đều dùng túi nilon thì sau khi được cấp túi của dự án họ chỉ còn dùng túi nilon trong 50 lần, 25, hay 10 lần thì đã là rất đáng quý. Ngoài ra, để tăng tính tiện dụng cho khách hàng thì việc thiết kế túi cũng rất được chú ý, như tôi đã trình bày ở trên, ngay cả màu sắc cũng được đa dạng hóa để khách hàng lựa chọn theo ý thích.

Theo tôi, việc hoàn trả tiền hay phiếu thưởng của siêu thị cho khách hàng sử dụng túi rất chắc chắn vì có sự cam kết rất mạnh của lãnh đạo các hệ thống siêu thị. Bản thân các siêu thị tham gia dự án cũng phải ký thoả thuận trong đó có các điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ. Tôi tin các siêu thị sẽ tuân thủ đúng chính sách này vì không siêu thị nào muốn bị mất hình ảnh trong mắt khách hàng. Cá nhân tôi khi trao đổi với Tổng giám đốc Intimex thì được biết ngoài chính sách trên họ cũng cam kết sẽ tạo thêm những điều kiện ưu đãi riêng cho những khách hàng mang túi đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Intimex. 

Mục tiêu dự án
 
Giai đoạn thử nghiệm (2009):Đến cuối năm 2009 sẽ cắt giảm 50,000 túi nilon mỗi ngày trong hoạt động bán lẻ ở Hà Nội. 
 Giai đoạn mở rộng (2010 – 2011): Đến cuối năm 2011 sẽ cắt giảm 1.000.000 túi nilon mỗi ngày trong hoạt động bán lẻ ở 5 thành phố lớn nhất Việt Nam gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.

– Trong giai đoạn thử nghiệm, dự án sẽ cắt giảm 50.000 túi nilon mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội. Ông có thể giải thích rõ hơn về mục tiêu này?

Ông Lưu:
Kết quả nghiên cứu khách hàng tại Hà Nội của chúng tôi cho thấy bình quân trong một ngày mỗi gia đình nhận miễn phí 11,3  túi nilon trong quá trình đi chợ và mua sắm từ siêu thị. (Con số này chưa kể đến số bao bì trực tiếp của chính sản phẩm, ví dụ: vỏ gói bánh kẹo v.v. vì loại túi nilon này không thuộc đối tượng của dự án). Do đó, với giai đoạn thử nghiệm cung cấp túi mua hàng cho 5.000 hộ gia đình thì số lượng túi nilon cắt giảm được trên địa bàn Hà Nội sẽ vào khoảng 50.000 túi/ngày.

Có ý kiến cho rằng nếu như con số này đạt được, cũng cực kỳ khiêm tốn so với số lượng túi nilon hàng ngày vẫn được sử dụng và thải loại. Ông có phản biện gì với lập luận này không?
Con số  50.000 túi nilon/ngày có thể nhỏ so với mức độ sử dụng túi nilon hàng ngày của các bà nội trợ tại Việt Nam nhưng lại rất lớn cho một sự khởi đầu vì nếu hôm nay chúng ta cắt giảm được 50.000 túi nilon/ngày thì ngày mai con số đó có thể sẽ là 100.000, 500.000 hay 1 triệu. Do đó, chúng tôi không cho rằng con số này là nhỏ mà tập trung thời gian và công sức sao cho việc triển khai giai đoạn thử nghiệm được thành công, và tất nhiên cũng đã chuẩn bị kế hoạch mở rộng dự án ra các đô thị lớn khác. Cá nhân tôi mong muốn dự án sẽ cắt giảm 10 triệu túi/ngày vào giai đoạn 2010 – 2011, song điều đó cần đươc tính toán cẩn thận và có bước đi thích hợp.
– Xin ông cho biết hiện đã có những siêu thị nào tham gia dự án? Và nếu những siêu thị khác cũng sẵn sàng tham gia, liệu dự án có chấp thuận họ không?

Ông Lưu: Tham gia dự án của chúng tôi hiện nay có Hapro, Intimex, Fivimart, Trung tâm thương mại Vân Hồ, Siêu thị Bài thơ Rosa. Các hệ thống này đã bao phủ toàn bộ các điểm mua sắm ở Hà Nội. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ có nhiều hệ thống siêu thị khác tham gia. Đặc biệt đã có hệ thống siêu thị tự liên hệ và đăng ký tham gia. Chúng tôi mong muốn và khuyến khích tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích cùng tham gia vì sự nghiệp chung.

– Là một khách hàng muốn tham gia chương trình túi đa năng, tôi sẽ phải làm gì hoặc thỏa mãn điều kiện gì?

Ông Lưu: Việc đầu tiên là bạn hãy điền thông tin vào Mẫu đăng ký sử dụng túi và gửi cho Trung tâm qua email SCC.contact@gmail.com hoặc về địa chỉ: A7, Lô 3, Khu đô thị mới Định Công, Hà Nội. ĐT: (04) 3640 1580
.
– Xin chân thành cảm ơn ông! Chúc dự án của SCC đạt được những kết quả tốt đẹp và sớm được nhân rộng!