Vai trò cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

ThienNhien.Net – Ngày 03/06, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững" tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Các đại biểu tham dự đã nghe 3 báo cáo về phản biện xã hội môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một số điều cần biết về biến đổi khí hậu và dự thảo Khung Nghị định về sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang và sẽ làm thay đổi môi trường toàn cầu nhưng không đồng đêu ở các vùng khác nhau, trong đó Việt Nam được dự đoán là một trong những nước sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất với khoảng 1/6 diện tích đất đai và 1/3 dân số bị ảnh hưởng. Bởi vậy, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững rất quan trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giới thiệu dự thảo khung Nghị định sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Theo đó, Nghị định này thể chế hóa các quy định về nguyên tắc đã trong Hiến pháp, Luật, đạo luật chuyên ngành, tăng cường mạnh mẽ vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở nước ta.

Nội dung chính gồm 5 nhóm các quy định: quy định chung, quy định về thông tin môi trường cho cộng đồng, về nội dung tham gia của cộng đồng, tiếp cận tư pháp, nâng cao năng lực cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Cộng đồng được Nhà nước đảm bảo các quyền khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra thông qua tổ chức đại diện, được hỗ trợ cung cấp các bằng chứng theo yêu cầu khi thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại. Các hành vi về gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư, tổ chức, gia đình và cá nhân thì cộng đồng có quyền tố cáo.

Phản biện xã hội (PBXH) nhằm làm cho các chủ trương, chính sách, chương trình hay dự án ngày càng hoàn thiện trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận nhằm phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh.

Trong bối cảnh BĐKH, việc phản biện xã hội cần chú ý là BĐKH là quá trình trường diễn nên những nhận định về tác động cụ thể tại một địa điểm cụ thể thường khó thuyết phục. Đây cũng là điểm mà các dự án, chương trình được PBXH khó chấp nhận để thay đổi. Cách tốt nhất là xem xét khả năng gây hại cho các hệ sinh thái vốn có chức năng bảo vệ ở những vùng nhạy cảm với BĐKH mà pháp luật đã quy định như rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, không gian xanh của đô thị, vùng đất thấp ven biển… hoặc những quá trình tai biến nhãn tiền như xói lở bờ biển làm mất đất, nhiễm mặn đang gia tăng…

Theo PGS.TS Vũ Đình Hòe, phản biện xã hội là lĩnh vực mới, hết sức cần thiết của xã hội dân sự vào các chủ trương, chính sách, chương trình, hoặc dự án nhằm phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế dân sinh. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là tổ chức đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao cho chức năng phản biện xã hội (2002), tập trung vào lĩnh vực Bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Đến nay Hội đã tiến hành các phản biện xã hội đối với dự án Tam Đảo 2; bô xít Tây Nguyên và vụ việc Vedan gây ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Thị Vải.

Cũng theo GS Vũ Đình Hòe muốn thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, cần một đội ngũ chuyên gia giỏi, tâm huyết, thực hiện các bước thu thập dữ liệu khoa học, đặc biệt là các chứng cứ khoa học và pháp luật, thì những ý kiến phản biện mới có ích đối với vấn đề xã hội, chính quyền quan tâm.

Phương pháp PBXH đòi hỏi BĐKH được xem như bối cảnh để tư duy hơn là chứng cứ để phản biện. Nguyên tắc chung của PBXH về tài nguyên, môi trường là tuân thủ luật pháp, có cơ sở khoa học, tư duy hệ thống, phù hợp văn hóa, hội thảo, xây dựng Văn kiện PBXH về tài nguyên, môi trường và truyền thông. Văn kiện PBXH chỉ nói về những vấn đề quan trọng nhất, có cơ sở khoa học chặt chẽ, tầm ảnh hưởng lớn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ tính hợp pháp của dự án PBXH, những vấn đề môi trường trọng yếu chưa được tính đến hay tính đủ của dự án bao gồm môi trường tự nhiên, xã hội – nhân văn, trong đó chú ý sức khỏe con người, an ninh môi trường và tác động tiêu cực đến kinh tế. PBXH chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực của xã hội dân sự.

Cuối cùng, thay mặt nhóm soạn thảo, Thạc sĩ Nguyễn Hưng Thịnh trình bày dự thảo Khung Nghị định “ Sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ Môi trường”. Theo đó, Nghị định được xây dựng nhằm xác định cơ sở pháp lý bảo đảm thông tin môi trường; sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động môi trường; bình đẳng pháp luật trong tiếp cận môi trường; nâng cao năng lực cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Cộng đồng sẽ được tham gia vào việc xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật; được tuyền truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và nhận thức; được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường. Đồng thời được tiếp nhận định kỳ thông tin báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, địa phương, các báo cáo chuyền để về môi trường; danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trương nghiêm trọng, các khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng, khu cực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; danh sách, thông tin về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường; danh mục sinh vật ngoại lai xâm lấn, sinh vật biến đổi gen; kết quả quan trắc các thành phần môi trường.

Bên cạnh đó, cộng đồng được tiếp nhận các thông tin không định kỳ về các hoạt động chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; thông tin về các loại chất thải, khối lượng chất thải rắn, lưu lượng nước thải, kết quả quan trắc các thông số môi trường của cơ sở trong quá trình hoạt động…