Làm giàu từ nghề nuôi trồng thuỷ sản

ThienNhien.Net – Đó là Lê Anh Tuấn, năm nay mới 23 tuổi, Bí thư Chi đoàn thôn 5, xã Hoà Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) từ nuôi trồng thuỷ sản mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Và anh được nhiều người gọi bằng cái tên khá ấn tượng là “ Tuấn cá“ Hoà Phú.

Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Tuấn nhận thấy, địa phương có nhiều ao đầm, lại gần dòng sông Sêrêpốk đầy huyền thoại nhưng lại bỏ hoang trong khi nhu cầu thực phẩm cá nước ngọt ngày càng tăng. Tuấn bàn với gia đình cho mượn ít vốn mua con giống và ngày ngày dầm mình cải tạo lại một số ao hồ nhỏ trong vườn để nuôi thả thử nghiệm một số giống cá thịt chủ yếu là cá chép, trắm cỏ, mè, rô phi, đồng thời “khăn gói” đi học hỏi kỹ thuật đào ao, kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt ở một số hộ gia đình nuôi cá giỏi ở các huyện Cư M’Gar, Krông Năng thậm chí sang tận huyện Cư Jút (tỉnh Đắc Nông). Tuấn còn trực tiếp đến Trung tâm khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột để được tư vấn về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, đọc thêm sách trang bị thêm kiến thức về các kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, ươn nuôi cá thịt, cá giống.

Sau một thời gian ngắn, đàn cá lớn nhanh, thu hoạch bán được trên 10 triệu đồng. Thấy có kết quả, Tuấn mạnh dạn bàn với gia đình vay vốn ngân hàng, vay thêm của bạn bè đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 9 ao cá giống, cá thịt với tổng diện tích trên 20.000 mét vuông.
Hàng năm, Tuấn không những xuất bán hàng trăm tấn cá thịt mà còn bán cá giống cho các bạn hàng trong, ngoài tỉnh như Đắc Nông, Gia Lai, Bình Phước, với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí. Tuấn còn tận dụng 5 sào đất trong vườn trồng xen các loại cây như ngô, đậu các loại, lúa để chế biến thức ăn cho cá, giảm bớt chi phí…

Đặc biệt, Tuấn đã có công khá lớn trong việc nhân rộng phong trào nuôi cá nước ngọt không những ở thôn 4 mà ra toàn xã Hoà Phú, nhiệt tình giúp đỡ các đoàn viên thanh niên , các hộ gia đình về kỹ thuật nuôi cá từ khâu đào ao đến tuyển chọn cá giống, xử lý nước trong ao hồ… Tuấn còn giúp 5 hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên trong thôn có cuộc sống còn khó khăn trên 10 triệu đồng để về đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà vịt, nuôi cá để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống. Trang trại chăn nuôi cá của Tuấn còn giải quyết việc làm cho 15 thanh niên các dân tộc trong xã, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 1 triệu đồng trở lên.

Ngoài làm kinh tế giỏi, Lê Anh Tuấn còn năng nổ trong phong trào đoàn, hội. Tuy bận nhiều việc nhưng Tuấn vẫn tổ chức sinh hoạt đoàn đúng định kỳ, mỗi đợt sinh hoạt là mỗi chủ đề khác nhau trên các lĩnh vực như xây dựng Đoàn, Hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc, sinh đẻ có kế hoạch, xoá nghèo đói trong lực lượng Đoàn viên, thanh niên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… đưa ra để các bạn đoàn viên cùng nhau trao đổi, triển khai thực hiện. Từ một thôn yếu về công tác đoàn, đến nay Chi đoàn thôn 5 đã trở thành Chi đoàn mẫu của xã Hoà Phú. Lê Anh Tuấn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, của tỉnh. Mới đây Tuấn còn vinh dự được chọn đi dự Hội nghị tuyên dương Thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An./.