Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu

ThienNhien.Net – Kết luận phiên họp đầu tiên của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia ngày 19/03, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Hội đồng đã yêu cầu Hội đồng trình lên Thủ tướng Chính phủ một số nội dung trọng tâm liên quan đến công tác quy hoạch, lập kế hoạch để đảm bảo phát triển bền vững, cũng như đánh giá thực tế công tác triển khai phát triển bền vững tại các Bộ, ngành, địa phương.

Đây cũng là những nội dung cơ bản nằm trong “3 kiến nghị và 4 đánh giá” mà Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia sẽ trình lên Thủ tướng, bao gồm: kiến nghị thứ nhất về phương cách quy hoạch, lập kế hoạch để đảm bảo phát triển bền vững; kiến nghị thứ 2 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần làm tốt, làm mới những nội dung cụ thể để thực hiện phát triển bền vững; kiến nghị thứ ba là về chính sách phát triển bền vững. “4 đánh giá” gồm: thứ nhất, đánh giá các Bộ, ngành triển khai công tác phát triển bền vững, thứ hai đánh giá về yếu tố phát triển bền vững từ các địa phương, thứ ba đánh giá về các đoàn thể thực hiện công tác này và cuối cùng là đánh giá công tác tuyên truyền giáo dục về phát triển bền vững.

Các thành viên Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia cũng cho rằng, trong những năm qua, phát triển kinh tế xã hội ở nước ta dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Dân số tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; các dịch vụ cơ bản về giáo dục và y tế còn nhiều bất cập, chưa ngăn chặn được triệt để các loại tệ nạn xã hội…. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị tàn phá nghiêm trọng, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường đáng báo động. Trong khi đó, hệ thống chính sách và công cụ pháp luật chưa đồng bộ để có thể kết hợp hiệu quả giữa 3 mặt của sự phát triển: kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – Vũ Văn Hiền cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm và chủ yếu của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia chính là nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các giải pháp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác này. Vì vậy, cần tăng cường nhân lực và vật lực của Văn phòng Hội đồng, chú trọng hơn nữa công tác cộng tác viên để đảm bảo chất lượng các báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm nhanh chóng xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, trước 30/03/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lại dự thảo quy chế hoạt động của Hội đồng để các thành viên cho ý kiến lần cuối, trước khi ban hành quy chế chính thức ngày 15/04 tới.

 Nhằm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21, định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam tập trung vào những hoạt động cần ưu tiên chọn lựa và triển khai thực hiện trong 10 năm tới, gồm 5 phần chính:
– Phần 1: Phát triển bền vững – con đường tất yếu của Việt Nam.
– Phần 2: Những lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững.
– Phần 3: Những lĩnh vực xã hội cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững.
– Phần 4: Những lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững.
– Phần 5: Tổ chức thực hiện phát triển bền vững.

Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia sẽ nhóm họp phiên toàn thể mỗi năm 2 lần, kể từ phiên họp đầu tiên ngày 19/03, trên cơ sở đó xây dựng báo cáo tư vấn Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 và tháng 10. Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia sẽ họp với phạm vi toàn quốc vào tháng 07/2009.