Cần chủ động trước diễn biến của thiên tai

ThienNhien.Net – Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009 đã diễn ra chiều ngày 19/03, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giữa Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn với 63 địa phương trong cả nước. Tại hội nghị, một loạt các vấn đề cấp bách và quan trọng đã được đưa ra để triển khai ngay trong bối cảnh dự báo năm 2009, thiên tai phức tạp và bất thường hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, như mưa, bão, lũ nhiều, trái quy luật nhiều năm nay.

Năm 2008: Diễn biến thời tiết bất thường

Tại Hội nghị, các báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW (PCLBTW), Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cũng như ý kiến từ các Ban chỉ đạo PCLB và TKCN các địa phương đều chung đánh giá, 2008 là năm thiên tai, thảm họa diễn biến hết sức phức tạp, trong nước liên tiếp xảy ra những sự kiện thiên tai thuộc loại bất thường kỷ lục. Đó là đợt rét đậm kéo dài nhất từ trước tới nay ở miền Bắc (tháng 1-2), 3 đợt mưa lũ đặc biệt lớn do tác động của bão số 4 (tháng 8), bão số 6 (tháng 10), mưa kỷ lục đầu tháng 11 và triều cường cao kỷ lục ở TP. Hồ Chí Minh.

Tính tổng cộng, trong năm vừa qua xảy ra 10 cơn bão, 5 đợt áp thấp nhiệt đới và nhiều đợt mưa lũ lớn làm chết 350 người, mất tích 73 người, bị thương 170 người, thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng. Xét riêng trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, tai nạn trên biển xảy ra 913 vụ/7.393 người/1.282 phương tiện làm chết 434 người, mất tích 182 người, chìm và mất tích 345 phương tiện, tai nạn đường sông 189 vụ làm chết 189 vụ, làm chết 103 người, chìm đắm 170 phương tiện. Cháy nổ, sập đổ công trình 1.620 vụ làm 99 người chết, cháy hơn 2.000 ha rừng và nhiều tài sản khác trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Các địa phương đã nêu lên những bài học kinh nghiệm trong việc đối phó với lụt bão, tai nạn, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng công tác dự báo, cảnh báo kịp thời về diễn biến thời tiết, tình hình lụt bão, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ”, chú trọng việc bố trí mùa vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hợp lý để hạn chế thiệt hại. Ban chỉ đạo PCLBTW cần tiếp tục giúp đỡ các địa phương trong việc quy hoạch các khu phân, chậm lũ tại các tỉnh phía Bắc. Các tỉnh miền Trung cần tiếp tục tìm các giải pháp lâu dài “sống chung với lũ” như đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: kiên cố hóa, tầng hóa công sở, trạm y tế, trường học để giúp dân có điều kiện tránh trú trong lúc thiên tai; có chính sách thích hợp như việc cho dân vay ưu đãi để mỗi hộ xây dựng được một căn nhà kiên cố chống bão, hạn chế tối đa việc sơ tán dân…

Năm 2009: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai

Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục cho thấy những vấn đề cấp bách và khó khăn trong nhiệm vụ ứng phó, phòng chống thiên tai năm 2009 cũng như những năm tiếp theo. 3 tháng đầu năm, thời tiết, nhiệt độ, mưa, thủy văn đều có những hiện tượng khác với trung bình nhiều năm (TBNN). Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều và sớm, số lượng nhiều hơn TBNN (5-7 cơn), thậm chí hơn cả năm 2008 có 10 cơn bão. Tương tự, lượng mưa cả mùa có thể ở mức cao hơn, nhất là ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ, mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và thành các đợt kế tiếp nhau rất khó lường.

Đặc biệt, về mặt thủy văn, đỉnh lũ năm 2009 được dự báo có khả năng cao hơn đỉnh lũ năm 2008 ở khu vực phía Nam (sông Tiền, sông Hậu), Tây Nguyên, phía Bắc (hồ Hòa Bình, sông Thái Bình)…

Trước tình hình này, các ý kiến đều tập trung kiến nghị, để chủ động đối phó với thiên tai năm 2009, việc chuẩn bị, phòng ngừa cần được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, bám sát phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”.

Trong đó, tập trung đôn đốc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 đã được Chính phủ ban
hành, đặc biệt lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.

Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra các giải pháp, chương trình hết sức cụ thể. Trong đó, cần nhìn nhận rõ những vấn đề cụ thể về công tác chuẩn bị, tổ chức, triển khai “4 tại chỗ”, xây dựng các chương trình đề án kỹ càng, bám sát Chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đặc biệt là công tác thông tin, truyền thông cần cải cách và nâng cấp mạnh mẽ. Mỗi địa phương phải cụ thể hóa và lựa chọn mô hình thích hợp, phát huy trách nhiệm cao nhất trong việc huy động các nguồn lực địa phương.

Phó Thủ tướng cũng giao Ban chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban quốc gia TKCN, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, … triển khai những nhiệm vụ cụ thể trong việc hoàn thiện tổ chức, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, vật tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao công tác dự báo,… theo phương án phục vụ căn cơ và lâu dài. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chuẩn bị tốt tình hình dự trữ quốc gia. Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia tăng cường đầu tư, nâng cấp các dự án tăng cường khả năng dự báo.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản các công trình liên quan phòng chống thiên tai, việc phân bổ vốn đối với các
công trình cấp bách, quản lý hồ chứa, phân lũ, tổ chức Ban chỉ đạo PCLB ở một số khu vực trọng yếu…