Việt Nam khó với tới nền nông nghiệp giá trị cao

Báo cáo phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 11/12 thực sự gợi mở cho nhà chức trách Việt Nam về việc ra quyết sách phát triển nông nghiệp thời kỳ hội nhập. Song, còn quá nhiều lực cản làm chậm quá trình phát triển nền nông nghiệp giá trị cao ở Việt Nam.

Với tựa đề “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển”, báo cáo phát triển thế giới năm 2008 của WB dày hơn 500 trang, được ông Derek Byerlee – chủ biên – trình bày ngắn gọn trong chưa đầy nửa tiếng. Ông diễn giải báo cáo từ góc nhìn của Đông Á và Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang đô thị hoá như Việt Nam.

Muốn thoát nghèo, vẫn phải gắn với nông nghiệp

Ở đây, WB cho rằng, nông nghiệp vẫn được coi là yếu tố quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân. Đã có 200 triệu người thoát nghèo nhờ nghề nông. 75% người nghèo sống ở nông thôn và đa số sẽ tiếp tục sinh sống ở nông thôn đến năm 2040. Việc di dân ra thành thị cũng là nguyên nhân chiếm 20% trong việc giảm số người nghèo có thu nhập 1 USD/ngày ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, nông nghiệp còn mở đường cho các chính sách đổi mới. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPSARD), cho rằng, Việt Nam đã làm tốt việc tạo điều kiện cho sản xuất tiếp cận tốt nhất với tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nước… giao đất cho nông dân sản xuất cùng với tự do hoá thương mại và đầu tư mạnh về thuỷ lợi.

“Tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam cho đến nay đã đem lại lợi ích cho cả vùng đô thị và nông thôn. Năm 1993, có tới 2/3 số dân nông thôn được coi là nghèo. Ngày nay, con số này giảm xuống chỉ còn 1/5”, ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định

“Nhưng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào vị thế là nước có mức thu nhập trung bình và cao hơn, vấn đề là liệu sự phát triển có lợi cho tất cả mọi người còn tồn tại nữa không? Cải thiện năng suất nông nghiệp và tạo cơ hội cho người nghèo ở nông thôn và các dân tộc thiểu số là cần thiết để không ai bị bỏ rơi”, ông Martin Rama nói.

Theo ông Derek Byerlee, các nền kinh tế đang chuyển đổi, bao gồm Việt Nam, phải chuyển từ cách mạng xanh sang một nền nông nghiệp mới có giá trị cao và giảm nghèo. Xu hướng hiện nay của nền nông nghiệp là hướng vào những sản phẩm giá trị cao mà ở Việt Nam, chúng chiếm tới 1/2 giá trị các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Derek Byerlee cũng đưa ra khuyến cáo cho các nước phụ thuộc nông nghiệp, đó là việc phải đối mặt với khoảng cách giàu nghèo gia tăng giữa thành thị và nông thôn. Tại Việt Nam, thu nhập ở đô thị gấp 3,5 lần ở nông thôn. Chưa kể, những thách thức về môi trường và phát triển một nền nông nghiệp bền vững đang là bài toán khó cho nhiều quốc gia.

Từ thấp đến giá trị cao, không dễ

TS. Đặng Kim Sơn nhận xét, thị trường vẫn là thách thức đối với nông dân Việt Nam. Giá dầu mỏ 50 năm tới có xu hướng tiếp tục tăng và cạn kiệt kéo theo sự tăng giá của phân bón, thuốc trừ sâu khiến đầu vào sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Do vậy, giá nông sản chưa chắc đã giảm như thời gian qua mà nhiều khả năng sẽ tăng. Hơn nữa, trong khi giá cả gia tăng, cánh kéo giá tăng luôn nghiêng về phía bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và người nông dân.

Ông Sơn đặt ra hai câu hỏi “hóc” cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, đó là xử lý như thế nào mâu thuẫn giữa hơn 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún về đất đai, lao động, kỹ thuật… khi chuyển sang nền kinh tế hiện đại? Hơn nữa, tỷ trọng GDP nông – lâm nghiệp giảm nhanh trong khi lao động nông thôn giảm chậm ở Việt Nam, cần xử lý vấn đề này thế nào?

Theo ông Sơn, có hai nước rơi vào trường hợp này là Việt Nam và Trung Quốc, tức là mức độ lao động rút ra khỏi nông nghiệp rất thấp. Nguyên nhân là do thị trường lao động và đất đai chưa thông thoáng, còn nhiều vấn đề tồn tại cần xử lý.
“Bản thân bà con cũng muốn rút ra khỏi lao động nông thôn nhưng để họ rút khỏi sự gắn bó với đất đai không hề dễ dàng. Trong khi đó, phát triển công nghiệp hiện nay lại khác trước, là tập trung nhiều vào công nghệ, vốn, lao động tay nghề cao mà lao động nông thôn chưa đáp ứng được”, ông Sơn nói.

Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn cho rằng cần đến hai giải pháp: phát triển các doanh nghiệp Việt Nam và đưa lao động ra khỏi nông thôn không phải bằng công nghiệp, mà bằng dịch vụ. Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng nói thêm, hiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư về nông thôn. Đây là hoạt động mấu chốt kết nối giữa nông thôn và thành thị, đem đầu tư từ thành thị về nông thôn. Nhiều DN hiện rất khó tiếp cận để đầu tư phát triển và đào tạo nhân lực cho khu vực này.

Trong khi đó, đầu tư của Nhà nước về nông thôn còn hạn chế, hiện mới chiếm 14% tổng đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này cũng hầu như không đáng kể, chỉ chiếm 3% tổng đầu tư FDI cả nước.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cần đẩy mạnh đầu tư cho KHCN (hiện mới chiếm 0,13% GDP nông nghiệp, trong khi các nước tương tự là 4%). Tất nhiên, vấn đề này cũng không dễ dàng bởi nông dân rất khó tiếp cận và làm chủ KHCN.

“Cần thiết lập hệ thống khuyến nông tốt, có thể thuê khuyến nông tư nhân làm mà không cần phải dựa hoàn toàn vào Nhà nước. Ngoài ra, phải có các cơ chế tài chính phù hợp thu hút các tổ chức quốc tế, phi chính phủ làm việc này và tăng cường các mô hình giáo dục, đào tạo ở địa phương để người dân có thể tiếp cận được”, ông Derek Byerlee đề xuất. Song song đó là đầu tư cho các dịch vụ công khác và đẩy mạnh cải cách thể chế.

Cái nhìn trái chiều

Trái ngược với quan điểm trên, ActionAid – tổ chức phi chính phủ về chống đói nghèo – đã bác bỏ những lập luận mà báo cáo của WB đưa ra và coi đó là một hiểm họa.

Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc tổ chức này, cho rằng, WB đã buộc khu vực Nhà nước phải rút ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Hơn 25 năm qua, bằng các chính sách cho vay của mình, WB đã buộc các chính phủ phải xoá bỏ trợ cấp cho các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như phân bón cũng như giải tán các bộ phận nhà nước phụ trách bán các mặt hàng nông sản.

Ông dẫn chứng, năm 1980, WB chi 5,4 tỷ USD cho nông nghiệp nhưng đến năm 1990 con số này còn 3,9 tỷ USD. ODA cho nông nghiệp cũng giảm đều trong suốt những năm 1990 ở mức toàn cầu, từ 6,7 tỷ USD (1984) còn 2,7 tỷ USD (2002).

Điều mâu thuẫn mà chính WB cũng thừa nhận là, nông nghiệp chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1993-2005, song có tới 49% trong số hơn nửa tỷ người sống tại các quốc gia này sống ít hơn 1 USD/ngày và 68% số người vẫn sống ở nông thôn.

Ngoài ra, báo cáo của ActionAid cũng chú ý đến việc tự do hóa thị trường đã ảnh hưởng như thế nào đến nông dân. Quyền tối thiểu của người dân là được định đoạt giá sản phẩm của mình giờ lại bị lệ thuộc vào các công ty lớn, các siêu thị.

Theo tổ chức Oxfam, người dân bán 1kg cà phê giá 10 USD thì họ chỉ được hưởng lợi có 1,7 USD, vậy số còn lại vào tay ai? Chắc chắn số tiền này không thoát khỏi 30 tập đoàn bán lẻ toàn cầu chiếm 1/3 thị phần trong tổng số tạp phẩm bán ra toàn cầu; 5 công ty kiểm soát 90% giao thương về lúa gạo trên thế giới hay 6 tập đoàn kiểm soát tới 3/4 thị trường thuốc trừ sâu thế giới…

Vấn đề khác là đất đai. Người dân sản xuất không hiệu quả sẽ bị lôi ra khỏi sản xuất nông nghiệp; đất đai sẽ rơi vào tay người có khả năng tích tụ ruộng đất, trong khi phần lớn dân số nông thôn Việt Nam vẫn sống phụ thuộc vào đất đai. Mất đất cũng làm lao động nông thôn dôi dư.

Ông Chu Tiến Quang, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (Bộ KH-ĐT) thẳng thắn, báo cáo đề cập đến nông nghiệp song chưa thấy nói về việc ai làm nông nghiệp, mà khi nói đến nông dân thì là đói nghèo và kém thế lực.

“Phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường, cạnh tranh đòi hỏi phải có quy mô về vốn, năng lực, kỹ năng… mà các nước nông nghiệp, đang chuyển đổi không có. Tại các nước hiện đại, sản xuất nông nghiệp hoàn toàn dựa trên những yếu tố kỹ thuật (chứ không phải lao động) thì ở Việt Nam chủ yếu dựa trên lao động – nguồn lực chưa thỏa đáng để phát triển nông nghiệp. Vậy ai sẽ là người làm nông nghiệp trong tương lai?”, ông Quang chất vấn.